
Sau chuỗi ngày cùng bé con hơn 2 tháng tuổi chiến đấu với virus RSV, dưới đây là những thông tin mong các mẹ tham khảo để chẳng may cần đến nhé!
Mẹ Huong Le
RSV diễn tiến rất nhanh
Bé nhà mình 2,5 tháng tuổi, hoàn toàn ở nhà, tiếp xúc với tổng 10 người trong suốt thời gian trước khi bị RSV. Khi nhìn lại, mình thấy tất cả những người con tiếp xúc thì ai cũng bị ho, trong đó có cả bố mẹ con.
Biểu hiện của bố mẹ thật nhẹ, ho hắng, ngứa họng chút nhưng không đau họng hay cúm. Mọi người còn lại cũng vậy, do đó mình đã không thực sự đề phòng cẩn thận.
Ngày đầu tiên mình nghe thấy 1 tiếng ho của con nhưng rất nhẹ, phải đến hôm sau nghe ngóng mãi mới thấy tiếng thứ 2, cả ngày cũng chỉ ho 3-4 tiếng. Nhưng vì thấy tiếng ho khác thường (khàn khàn) nên ngày thứ 3 mình cho con đi khám.
Khám tại phòng khám tư thấy không ổn, 22h đêm mình gọi lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. 1h sáng có kết quả: Con dương tính với RSV. Sau một hồi tìm hiểu viện nọ viện kia, cuối cùng mình đưa vào Bệnh viện Nhi TW...
Khám lại từ đầu, xét nghiệm lại từ đầu. Chỉ thêm 1 ngày thôi mà diễn tiến quá nhanh. Bác sĩ đọc kết quả mà bố mẹ vô cùng lo sợ: “Viêm tiểu phế quản phổi, con bị nặng đấy bố mẹ ạ”. Hiện tại viện lại hết giường cho bệnh này. Bố mẹ đành chuyển con sang viện khác.
Bác sĩ đọc kết quả từ Bệnh viện Nhi TW gửi sang: “Bé bị nặng đấy. Nhưng virus này không có thuốc đặc trị, nên chỉ điều trị các triệu chứng như ho, đờm. Nếu nặng bị bội nhiễm gây viêm sốt thì điều trị viêm. Với các bé nhỏ như này, hệ miễn dịch còn yếu, nguy cơ cao suy hô hấp thì phải thở oxy”.
Càng ngày bố mẹ càng lo lắng. Đến hôm sau, con biến chuyển nặng nhanh hơn rất nhiều. Con thực sự đã bị bội nhiễm viêm và sốt, phải điều trị kháng sinh.
Chuỗi ngày chiến đấu cùng con: Sáng truyền ống kháng sinh to đùng, uống thêm kháng sinh phổ rộng, thở khí dung 3 lần, uống thuốc ho, vỗ long đờm 2 lần, bị đi ngoài liên tục, bổ sung men...

9 lưu ý mình rút ra được
Sau chuỗi ngày chiến đấu cùng con, mình ghi lại vài thông tin như này để các bố mẹ tham khảo:
1. Đối tượng dễ bị nhiễm nhất: Trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và người cao tuổi bệnh nền, hệ miễn dịch suy yếu. Các mẹ có con nhỏ đừng ngần ngại, hãy nhắc nhở mn và tránh cho con tiếp xúc vào lúc dịch đang bùng phát thế này, đề kháng của con đang còn rất yếu...
2. Bệnh viện không chữa trị RSV vì không có thuốc đặc trị, mà điều trị các triệu chứng ho, đờm, khó thở, suy hô hấp, viêm nhiễm nếu bị. Nên việc vỗ long đờm cho con dễ thở lại trở nên thực sự quan trọng trong điều trị bệnh này, vì con quá bé không biết ho ra, không thở được, để thì đờm cũng tiêu dần nhưng rất lâu. Cũng tùy viện mới có vỗ long đờm, các mẹ nên hỏi kỹ bác sĩ nhé.
3. Việc lấy ven cho em bé không đơn giản, cùng phòng con có những em bé lấy tới 7 lần vỡ ven, tay nhỏ, ven mỏng...

4. RSV có thể lan xuống phổi, gây viêm phổi nặng, đặc biệt ở trẻ sinh non và người già, trẻ từng nhiễm RSV có nguy cơ cao mắc hen suyễn sau này, nên các mẹ đừng chủ quan nhé!
5. Thấy con có biểu hiện ho, mẹ cho con test ngay RSV.
6. Sau điều trị, bạch cầu sẽ giảm rất nhiều do đã mang ra chiến đấu với virus cả rồi. Nên mẹ đặc biệt lưu ý không để con nhiễm thêm bệnh lây truyền trong 2 tháng sau đó, để con còn phục hồi.
7. Nên sắm ngay máy khí dung, vì thuê trong viện 60k/lần. 180K/ngày thì chục ngày cũng quá tiền mua máy. Mình khuyên mua Omron model NE-C801 nhỏ gọn, chạy êm, đầu cắm nằm trên nên ấn xuống là được, ống đựng thông minh hơn hẳn. Mua máy riêng thì bố mẹ có thể chủ động chạy cho con, không phụ thuộc.
8. Nếu không bị sốt là không bị bội nhiễm gây viêm, thì bố mẹ cân nhắc không quá cần thiết vào viện để tránh lây nhiễm chéo, Nhưng nếu con nhỏ quá thì nên vào vì bị suy hô hấp nhanh sợ không kịp trở tay. Bệnh này quan trọng nhất là ngay khi phát hiện thì đến phòng khám nhi giỏi, vỗ đờm hàng ngày, ở nhà tự chạy khí dung để thông đường thở cho con không bị suy hô hấp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc ho làm con mất phản xạ ho, không đẩy đờm ra được. Bố mẹ không thơm lên mặt lên tay bé nữa nhé.
9. Ngoài BHYT thì nhất định nên có bảo hiểm khác cho con, vì dịch bệnh ngày càng nhiều. Bệnh viện giờ rất đông, phòng con thì RSV, phòng bên cạnh thì tay chân miệng, sởi... Các mẹ có con còn bé xíu hãy cố gắng bảo vệ con, chọn viện nào có vỗ long đờm nếu con bị nhiễm RSV. Chúc các bé luôn khỏe mạnh nhé.
Theo BSCKI Nguyễn Hữu Thảo, virus RSV hay gây viêm tiểu phế quản khá nặng ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 3 tháng. Triệu chứng những ngày đầu chỉ hắt hơi chảy mũi, có thể sốt hoặc không sốt, ho ít sau tăng dần. Bệnh diễn biến rất nhanh, thường nặng nhất từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh. Có rất nhiều bé ngày đầu đi khám chỉ hắt hơi, ho nhẹ, 2 ngày sau khó thở nhập viện luôn nếu không được hướng dẫn theo dõi kỹ. Trẻ dưới 3 tháng cứ ho hoặc sốt là đi khám chuyên khoa nhi, không nên theo dõi ở nhà. Phòng bệnh: - Rửa tay sạch khi chăm trẻ - Không thơm môi trẻ - Tránh nơi đông người - Tránh người ốm, người ho sốt đến gần trẻ --- Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |