
Mở tử cung là quá trình tự nhiên trong chuyển dạ, nhưng không phải lúc nào cũng sinh ngay. Cần theo dõi cơn co và dấu hiệu đi kèm để biết khi nào nên nhập viện.
Mẹ Bao Bao

Sự thay đổi của cổ tử cung trong quá trình sinh nở
Trước khi sinh, cổ tử cung trải qua hai thay đổi chính gồm xóa cổ tử cung (mỏng dần để chuẩn bị mở rộng) và mở cổ tử cung (giãn ra để đủ chỗ cho em bé đi qua đường sinh). Theo đó, mở tử cung là dấu hiệu sắp sinh, tuy nhiên không phải lúc nào sản phụ cũng sinh ngay.
Quá trình mở tử cung được đo bằng cm. Nếu cổ tử cung mở dưới 4 cm, mẹ bầu có thể chờ nhiều giờ hoặc thậm chí vài ngày nữa mới sinh. Khi cổ tử cung mở từ 6 cm trở lên, mẹ đã vào giai đoạn chuyển dạ thực sự. Một cổ tử cung mở hoàn toàn sẽ đạt khoảng 10 cm, đủ để em bé lọt qua ống sinh, lúc này mẹ sẽ rặn để sinh con.
Tuy nhiên, ở một số mẹ bầu, cổ tử cung có thể mở vài cm trong nhiều ngày trước khi sinh mà không có dấu hiệu chuyển dạ thực sự. Điều này thường gặp ở mẹ sinh con rạ hơn là con so.
Quá trình mở tử cung diễn ra như thế nào?
Mở tử cung thường diễn ra theo 3 giai đoạn chính gồm:
- Giai đoạn tiềm thời (0-3 cm): Các cơn co tử cung xuất hiện nhưng thường không đều đặn và không gây đau nhiều. Thời gian giai đoạn này có thể kéo dài và khác nhau ở mỗi sản phụ.
- Giai đoạn hoạt động (4-7 cm): Cổ tử cung mở nhanh hơn, các cơn co tử cung trở nên đều đặn, mạnh hơn và gây đau nhiều hơn. Thời gian trung bình của giai đoạn này khoảng 7 giờ.
- Giai đoạn chuyển tiếp (8-10 cm): Cổ tử cung mở hoàn toàn, các cơn co tử cung mạnh và dồn dập, chuẩn bị cho quá trình sổ thai. Giai đoạn này thường ngắn hơn so với hai giai đoạn trước.
Mở tử cung nhanh hay chậm tùy thuộc vào điều gì?
- Mẹ sinh con so hay con rạ: Mẹ sinh con rạ thường mở nhanh hơn.
- Cường độ cơn co tử cung: Cơn co mạnh giúp mở nhanh hơn.
- Tư thế và vận động của mẹ: Đi bộ, đứng thẳng có thể giúp mở nhanh hơn.
- Sự can thiệp y tế: Nếu cần, bác sĩ có thể dùng thuốc giục sinh để giúp cổ tử cung mở nhanh hơn.
Làm sao biết tử cung đã mở mà không cần khám?
Dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đang mở bao gồm: Đau bụng, xuất hiện cơn co đều đặn và mạnh dần; ra nhầy hồng hoặc ra nước ối; cảm giác nặng ở vùng bụng dưới.
Tuy nhiên, để biết chính xác, mẹ cần được bác sĩ hoặc nữ hộ sinh thăm khám trong quá trình chuyển dạ.
Theo đó, mẹ nên nhập viện ngay nếu có các dấu hiệu như cơn co đều đặn, khoảng 5 phút/lần, kéo dài ít nhất 1 giờ; ra nước ối hoặc ra máu hồng nhiều; cảm giác đau dữ dội hoặc em bé cử động ít bất thường.
"Từ điển làm mẹ" là thế giới "từ mới" và "thuật ngữ" chỉ những người làm mẹ mới hiểu. Nếu bạn đang hoặc sắp bước vào hành trình đảm nhiệm thiên chức thiêng liêng, hãy chia sẻ "từ điển" thú vị của riêng mình với cộng đồng Đi Cùng Con. Đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |