
Nhận thấy mặt con xuất hiện những đốm trắng nhỏ li ti, nhiều mẹ bỉm không khỏi lo lắng, sợ bé bị dị ứng hay mắc bệnh da liễu. Tuy nhiên, đây có thể là mụn sữa - tình trạng phổ biến và vô hại ở trẻ sơ sinh.
Mẹ Bao Bao

Vì sao bé bị mụn sữa?
- Tuyến bã nhờn chưa hoàn thiện: Làn da của trẻ sơ sinh vẫn đang phát triển, tuyến bã nhờn chưa hoạt động ổn định. Điều này khiến chất nhờn bị tích tụ trong lỗ chân lông, tạo thành những nốt mụn nhỏ.
- Tích tụ tế bào da chết: Làn da của trẻ sơ sinh vẫn đang trong quá trình phát triển và thay đổi. Các tế bào da chết không được loại bỏ hoàn toàn có thể bị kẹt trong các nang lông, dẫn đến hình thành mụn sữa.
- Tác động từ môi trường: Thời tiết nóng ẩm, không khí ô nhiễm, bụi bẩn có thể khiến da bé dễ bị kích ứng. Sữa mẹ hoặc sữa công thức dính vào mặt bé mà không được lau sạch cũng có thể làm da bị bít tắc.
Mụn sữa có nguy hiểm không?
Mụn sữa là tình trạng bình thường và sẽ tự khỏi mà không để lại sẹo hay ảnh hưởng lâu dài đến làn da của bé. Tuy nhiên, mẹ cần đưa bé đi khám nếu thấy các dấu hiệu sau:
- Mụn có màu đỏ, sưng tấy, chảy mủ - có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.
- Mụn lan rộng, xuất hiện mụn nước, bong tróc hoặc có vảy.
- Bé có dấu hiệu sốt, quấy khóc, khó chịu, bú kém.
Cách chăm sóc da bé khi bị mụn sữa
- Giữ da bé sạch sẽ, khô thoáng: Rửa mặt cho bé bằng nước ấm và khăn mềm mỗi ngày, đặc biệt là sau khi bé bú xong. Ngoài ra, không dùng xà phòng có chất tẩy mạnh/khăn giấy ướt có hương liệu/cồn vì có thể làm da bé bị khô hoặc kích ứng.
- Không nặn mụn, không bôi thuốc tùy tiện: Mụn sữa không phải do vi khuẩn, nên cha mẹ không cần dùng kem trị mụn hay thuốc kháng sinh. Việc nặn mụn có thể gây nhiễm trùng, tổn thương da và để lại sẹo.
- Giặt quần áo, khăn và chăn của bé riêng bằng nước giặt chuyên dụng cho trẻ sơ sinh để tránh kích ứng da.
- Hạn chế hôn lên mặt bé: Người lớn có thể mang vi khuẩn từ môi trường hoặc từ nước bọt, gây viêm nhiễm da bé khi hôn hít. Đặc biệt, nếu cha mẹ bị mụn rộp môi (herpes), việc hôn lên mặt bé có thể làm lây virus, gây nguy hiểm cho bé.
Mụn sữa là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh và không gây nguy hiểm. Cha mẹ chỉ cần chăm sóc da bé nhẹ nhàng và kiên nhẫn chờ đợi mụn tự biến mất. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho bé.
"Từ điển làm mẹ" là thế giới "từ mới" và "thuật ngữ" chỉ những người làm mẹ mới hiểu. Nếu bạn đang hoặc sắp bước vào hành trình đảm nhiệm thiên chức thiêng liêng, hãy chia sẻ "từ điển" thú vị của riêng mình với cộng đồng Đi Cùng Con. Đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |