

Virus rota gây tiêu chảy ở hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là bệnh lý có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn tới mất nước, nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, virus rota cũng thường gây nôn ói và sốt ở trẻ nhỏ.
Hiện nay, trẻ nhỏ nước ta có thể được sử dụng vắc xin ngừa virus rota với liệu trình 2 hoặc 3 liều vắc xin, tùy thuộc vào loại vắc xin sử dụng. Lịch uống vắc xin được khuyến cáo như sau:
- Liều 1: Lúc 2 tháng tuổi;
- Liều 2: Lúc 4 tháng tuổi;
- Liều 3: Lúc 6 tháng tuổi (nếu cần).
Trong đó, liều vắc xin thứ nhất phải được uống trước 15 tuần tuổi. Liều cuối cùng phải uống trước 8 tháng tuổi. Vắc xin ngừa virus rota có thể sử dụng đồng thời với các vắc xin khác.
Hầu hết các trẻ sau khi uống vắc xin ngừa virus rota sẽ phòng ngừa được bệnh tiêu chảy nặng do virus này gây ra. Trẻ sẽ không mắc bệnh tiêu chảy do virus rota. Tuy nhiên, vắc xin này không ngừa được bệnh tiêu chảy và nôn ói do các nguyên nhân khác.
Một số trường hợp trẻ được khuyến cáo không nên dùng vắc xin rota như trẻ từng có phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng sau khi uống vắc xin ngừa virus rota liều đầu tiên; trẻ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin; trẻ bị suy giảm miễn dịch nặng hoặc có tiền sử lồng ruột…

Tương tự thuốc, trẻ uống vắc xin ngừa virus rota cũng có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ, bao gồm tiêu chảy sau khi dùng vắc xin. Tuy nhiên, các triệu chứng thường nhẹ và tự khỏi. Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra nhưng hiếm gặp.
Một số trẻ bị tiêu chảy sau khi uống vắc xin rota khiến các phụ huynh lo lắng. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do trẻ đã có sẵn bệnh lý đường ruột, tiêu hóa; hoặc do tác dụng phụ không mong muốn của vắc xin này. Do đó, cha mẹ không nên quá lo lắng về tình trạng tiêu chảy sau khi uống vắc xin rota. Thay vào đó, nên theo dõi quá trình, biểu hiện tiêu chảy của trẻ trong vòng 2-3 ngày để kịp thời xử trí nếu bất thường. Trường hợp bị tiêu chảy nặng, nôn, đau bụng kéo dài, không có dấu hiệu giảm, phụ huynh nên cho con đi khám và điều trị kịp thời.
Phụ huynh có thể cho trẻ dùng thêm men tiêu hóa. Lưu ý bổ sung thêm nước cho trẻ bằng cách cho bú nhiều với trẻ nhỏ; uống thêm nước, điện giải với trẻ lớn.

Virus rota lây truyền qua đường phân - miệng, qua tiếp xúc với tay hoặc các bề mặt và vật thể bị nhiễm virus rota. Ngoài ra, virus này cũng có thể lây qua đường hô hấp, lây ngoài cộng đồng hoặc lây chéo trong bệnh viện. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị virus rota. Vắc xin vẫn là biện pháp chủ động và hữu hiệu nhất giúp trẻ phòng tránh virus này. Cha mẹ không nên hoãn tiêm chủng cho trẻ vì lo ngại các phản ứng phụ.
Tại Việt Nam, hiện Bộ Y tế đã giao Chương trình Tiêm chủng mở rộng triển khai đưa vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virus rota vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho trẻ nhỏ. Cuối năm 2024, Bộ Y tế sẽ mở rộng phạm vi sử dụng vắc xin rota và dự kiến năm 2025 vắc xin này sẽ được triển khai trên toàn quốc.