

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi con sốt, nhiều cha mẹ lúng túng không biết xử trí thế nào khi con rơi vào một số trường hợp sau.
1. Bé sốt mà tay chân lạnh lắm? Cháu sốt mà cứ run run?
Điều này là sinh lý bình thường khi trẻ sốt cao, giai đoạn sốt tăng, cơ thể tìm mọi cách để tăng nhiệt trong đó có co mạch tại chân tay, giảm tưới máu làm tay chân lạnh, thậm chí nổi vân tím. Cuối giai đoạn sốt tăng, bé có thể có cảm giác buốt lạnh, thậm chí run cầm cập - điều này cũng là do phản xạ run cơ để sinh nhiệt. Đây thường là biểu hiện của cơn sốt cao, tăng nhanh, một lát cơn sốt lên đỉnh điểm em bé sẽ ấm trở lại, không cần quá lo lắng
Các cơn “sốt cao, rét run” có thể chỉ là nhiễm các virus nhưng cũng có thể là một nhiễm khuẩn nặng, cần khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác.
Nếu bé kêu rét, có thể đắp một chăn mỏng khoảng vài phút. Hết giai đoạn sốt tăng, cơ thể ấm lại cần bỏ ra ngay tránh việc cơ thể bé “bị ủm” khó hạ sốt hoặc khiến thân nhiệt tăng.

2. Cháu uống thuốc hạ sốt rồi mà lại tăng cao hơn?
Sốt có 3 giai đoạn: Sốt tăng, sốt đứng, sốt lui, như lên rồi xuống cầu vượt.
Khi mẹ thấy bé 39 độ rồi cho bé dùng hạ sốt, một lát sau kẹp thì bé lại sốt 40 độ. Điều này không phải lo lắng gì, chỉ là lúc dùng hạ sốt bé ở ngang dốc (giữa lúc sốt tăng) phải lên đến đỉnh rồi mới giảm được.
3. Cháu ban ngày không sốt, cứ chiều tối lại sốt?
Nếu bé không sốt dày cơn, phần đa cơn sốt thường gia tăng về chiều và đêm thì lý do có thể liên quan tới sự suy giảm đồng độ cortisol trong máu (do tuyến thượng thận tiết ra, giảm dần về chiều tối). Ngoài tác dụng giảm sốt, hormone này cũng có tác dụng giảm đau, kháng viêm, giảm ho.... Do vậy chúng ta hay thấy bé ho nhiều, đau nhức nhiều về đêm…
Bài viết được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |