

Trong điều trị táo bón, có nhiều phụ huynh cho con dùng thuốc vài tuần thấy ổn rồi dừng và lại tái phát. Có mẹ lại bổ sung hàng tá men vi sinh mà vẫn không hiệu quả. Vậy nguyên nhân do đâu?
Điều đầu tiên phụ huynh cần nhớ rằng, điều trị táo bón chức năng (bệnh xuất phát từ hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, tâm lý hoặc các yếu tố thần kinh) không phải câu chuyện làm trong một vài ngày hay vài tuần là xong, đơn vị thường tính bằng tháng, nhiều tháng thậm trí hàng năm trời.
Phải hiểu hậu quả táo bón lâu dài là rất nặng nề. Trẻ sẽ biếng ăn, lâu dần có thể suy dinh dưỡng. Lớn đi nhà trẻ có thể ị đùn, thay đổi tính cách.... thậm trí bệnh đến tuổi trưởng thành và tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Táo bón càng lâu càng khó điều trị.
Khi trẻ bị táo bón thì đi ngoài sẽ đau nên trẻ rất sợ và ngại. Trẻ sẽ có xu hướng nhịn, làm phân ứ trong trực tràng càng lâu càng cứng lại, to lên (do hấp thu nước ở trực tràng). Đến lúc bé không chịu được nữa đành phải đi ngoài thì phân to cứng, có thể làm rách kẽ hậu môn gây chảy máu. Điều đó làm bé càng đau, càng sợ và càng nhịn. Cứ thế vòng lặp này làm trẻ bệnh càng nặng, lâu dần làm mất phản xạ buồn đi ngoài.

Điều trị táo bón không phải cứ uống thuốc là xong. Phải thực hiện đồng bộ 3 vấn đề đó là: Dùng thuốc, tập luyện đi ngoài, điều chỉnh chế độ ăn. Thiếu một trong 3 yếu tố đó đều thất bại. Cũng đừng quên tái khám bác sĩ mỗi tháng một lần.
1. Trong lần đầu tiên khám, bác sĩ thường kê cho con thuốc thụt hậu môn hoặc nhuận tràng liều cao để giải quyết phân còn ứ đọng trong trực tràng 2-3 ngày và kết hợp thuốc làm mềm phân uống kéo dài.
2. Thuốc làm mềm phân uống kéo dài (có thể nhiều tháng, hàng năm liên tục, ngày nào cũng uống).
Mục đích làm phân trẻ mềm, không còn đau khi đi ngoài, lâu dần làm trẻ không còn cảm giác sợ đi ngoài nữa để hình thành thói quen mới.
Thuốc được nghiên cứu khá an toàn khi dùng kéo dài nên các mẹ đừng lo dùng lâu bị ảnh hưởng. Dùng thuốc này không phải cứ uống như bác sĩ kê là xong, mà phải dò liều với từng bé sao cho phân mềm không thành khuôn nhưng cũng không được lỏng thì duy trì liều đó hàng ngày. Không được dừng thuốc đột ngột trẻ sẽ bị lại.
3. Tập đi ị hằng ngày.
Cho trẻ ngồi bô hằng ngày vào 1 giờ cố định (nên vào buổi tối sau bữa tối) vì đó là khoảng thời gian thư thả nhất cho cả cha mẹ và con. Nhớ rằng trẻ không buồn đi nặng cũng phải ngồi đúng khung giờ ấy, ngày nào cũng vậy, mỗi lần 5-10 phút. Điều đó lâu dần sẽ thành phản xạ đi ngoài đúng giờ.
4. Điều chỉnh chế độ ăn.
Tập cho bé ăn đủ rau quả hàng ngày. Nếu trẻ không chịu ăn rau thì phải kiên trì ngày nào, bữa nào cũng cho trẻ ăn rau trước rồi mới ăn cơm; ít rau ít một, tăng dần. Với trẻ biết nói thì hãy nói với trẻ rằng con cần ăn rau thì đi ngoài mới không bị đau nhé. Ngày nào cũng nhắc rồi trẻ sẽ hiểu vì sao phải ăn rau.
Uống thêm đủ nước, để ý nếu nước tiểu của trẻ vàng sẫm là thiếu nước và cần nhắc trẻ uống thêm.
Nước ép trái cây không nhiều chất xơ nên không giúp giảm táo bón, nhưng vẫn nên uống vì bổ sung nhiều vitamin khác. Hạn chế sữa công thức không quá 500 ml/ngày.

Tóm lại các phụ huynh cần nhớ:
- Táo bón chức năng ở trẻ em là vấn đề nghiêm trọng, cần để ý và điều trị cho bé. Bệnh càng lâu càng khó chữa.
- Điều trị cần kiên trì, lâu dài nhiều tháng.
- Đồng bộ cả 3 vấn đề cùng lúc: Dùng thuốc, tập đi ngoài, chế độ ăn. Thiếu một trong ba đều thất bại.
- Không dừng thuốc đột ngột mà cần giảm dần. Cần tái khám mỗi tháng trong 3 tháng đầu để được tư vấn dùng thuốc tiếp.
- Bổ sung men vi sinh không giúp ích gì.
Bài viết được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |