
Bước vào giai đoạn ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi, mẹ hãy cho trẻ ăn thử một lượng nhỏ từng loại thực phẩm có thể gây dị ứng để theo dõi phản ứng.
Kim Anh
Nếu trẻ đã bị dị ứng hoặc gia đình có tiền sử dị ứng với một số loại thực phẩm, mẹ cần đặc biệt cẩn thận khi cho trẻ ăn. Nếu có thể, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc tư vấn viên sức khỏe.
Lưu ý khi cho con bú hoặc dùng sữa công thức
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ được khuyến khích cho trẻ sơ sinh trong khoảng 6 tháng đầu đời. Nếu mẹ không đủ sữa, còn bé lại bị dị ứng sữa bò, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các loại sữa công thức phù hợp.
Nếu đang mang thai hoặc cho con bú, trừ trường hợp dị ứng, còn lại mẹ không cần tránh những thực phẩm có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Các loại thực phẩm có thể gây dị ứng
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi, hãy cho bé ăn một lượng nhỏ từng loại thực phẩm có thể gây dị ứng để phát hiện bất kỳ phản ứng nào. Nếu trẻ đã bị dị ứng hoặc gia đình có tiền sử dị ứng một số loại thực phẩm, mẹ cần đặc biệt cẩn thận khi cho trẻ ăn.
Các loại thực phẩm có thể gây ra phản ứng dị ứng gồm: Sữa bò; trứng; thực phẩm có chứa gluten (lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen); các loại hạt và đậu phộng (nghiền hoặc xay); đậu nành; động vật có vỏ (nghêu, sò, ốc, hến...); cá…
Trẻ có thể ăn các loại thực phẩm trên từ khoảng 6 tháng tuổi. Nếu không gây dị ứng, những thực phẩm này sẽ trở thành một phần trong chế độ ăn thông thường của trẻ, góp phần giảm thiểu nguy cơ dị ứng.
>> Đọc thêm:
Vì sao trẻ dưới 1 tuổi không được ăn mật ong?
Dị ứng trứng ở trẻ và những điều cha mẹ cần biết

Nghiên cứu chỉ ra việc trì hoãn việc cho trẻ ăn đậu phộng và trứng gà có thể làm tăng nguy cơ dị ứng với những thực phẩm này. Rất nhiều trẻ khi lớn sẽ hết dị ứng với sữa hoặc trứng, nhưng dị ứng đậu phộng có thể tồn tại suốt đời.
Nếu con hay bị dị ứng, hãy đọc kỹ bảng thành phần trên nhãn thực phẩm. Tránh dùng nếu không chắc sản phẩm có chứa thành phần có thể gây dị ứng cho bé.
Các dấu hiệu dị ứng thực phẩm
Phản ứng dị ứng thường xảy ra nhanh chóng, chỉ trong vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Các dấu hiệu có thể kể đến: Hắt xì; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; mắt đỏ, ngứa, chảy nước; thở khò khè và ho; phát ban đỏ, ngứa; các triệu chứng hen suyễn hoặc bệnh chàm trở nên nghiêm trọng hơn
Hầu hết phản ứng dị ứng đều nhẹ, nhưng đôi khi có thể xảy ra phản ứng nặng như sốc phản vệ. Đây là trường hợp cấp cứu y tế và cần được điều trị khẩn cấp.

Chất phụ gia có ảnh hưởng không?
Nhiều loại thực phẩm có chứa các chất phụ gia để bảo quản, tạo màu hoặc tạo kết cấu. Tất cả các chất phụ gia thực phẩm đều phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được sử dụng. Nhãn thực phẩm phải thể hiện rõ ràng các chất phụ gia trong danh mục thành phần, bao gồm tên hoặc “số E” (mã số cho các phụ gia thực phẩm) và đặc tính như “màu” hay “chất bảo quản”. Một số chất phụ gia thực phẩm có thể gây phản ứng tương tự thực phẩm thông thường.
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |