
Nếu mẹ đang không biết làm thế nào để con thức trong quá trình bú thì có thể tham khảo một số mẹo dưới đây.
Hoa Hướng Dương
Là mẹ của 2 bé song sinh đã 4 tuổi và một bé mới 3 tháng, tôi từng nhận được khá nhiều câu hỏi giống nhau từ bạn bè - những người có con lần đầu: Làm thế nào để giữ bé tỉnh khi đang bú mẹ? Đa phần các mẹ bày tỏ lo lắng rằng việc bé ngủ quên khi mới bú được 5-10 phút sẽ chưa nhận được đủ lượng sữa cần thiết, từ đó ngủ không sâu giấc, chậm tăng cân.
Trong lần mang thai đầu, đây cũng là vấn đề từng khiến tôi trăn trở trong thời gian dài. Bởi tôi có tham khảo một số chuyên gia tư vấn về sữa mẹ và được biết, dòng sữa chảy ra trong khoảng thời gian đầu khi bé bú là sữa đầu cữ bú (foremilk). Khi bé tiếp tục bú, thành phần chất béo trong sữa sẽ tăng dần và dòng sữa chảy về sau được gọi là sữa cuối cữ bú (hindmilk). Việc bú đủ cả sữa đầu và sữa cuối sẽ đảm bảo lượng dinh dưỡng bé nhận được, giúp tăng cân đều.
Tôi đã áp dụng một số biện pháp và đạt những hiệu quả nhất định trong việc kéo dài thời gian thức của bé khi bú mẹ.
Thứ nhất, tôi nhận ra bé cảm thấy thoải mái và dễ ngủ trong vòng tay êm ái của mẹ khi bú, nên tôi sẽ khiến bé cảm thấy “khó chịu” đôi chút bằng cách: Xoa bàn tay/chân bé, massage lưng, cù nhẹ má hoặc đứng dậy đi lại nhẹ nhàng để giữ bé tỉnh.

Thứ hai, giữa quá trình bú, tôi sẽ vỗ ợ hơi bằng cách giữ bé ngồi trong tư thế thẳng đứng. Khi bé tỉnh táo lại, tôi sẽ tiếp tục cho bú. Việc làm này cũng hỗ trợ quá trình tiêu hóa cho con, hạn chế tình trạng nôn trớ, trào ngược.
Thứ ba, tôi luôn để sẵn bên cạnh một chiếc khăn ướt ấm khi cho bé bú để lau đầu, bụng và chân của bé giữa các lần bú hoặc khi thấy bé có dấu hiệu muốn ngủ. Việc giữ bé tỉnh táo sẽ khuyến khích con bú tốt hơn.
Thứ tư, thỉnh thoảng tôi sẽ ngăn sữa chảy khi con đang bú bằng cách đặt ngón tay ở giữa quầng vú và miệng con. Việc làm này giúp tạo sự chú ý cho bé (vì đang bú nhưng bị dừng sữa đột ngột), giúp bé tỉnh táo trở lại. Ngoài ra, khi bé cảm nhận bầu vú của mẹ trở lại sẽ hình thành phản xạ bú mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, tôi thường giảm nhẹ độ sáng trong phòng khi bé đến cữ bú (giảm nhẹ chứ không để tối hẳn). Vì mắt của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với ánh sáng, nếu để ánh sáng quá chói có thể khiến bé hình thành phản xạ nhắm mắt, từ đó chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Ánh sáng vừa đủ sẽ giúp bé dễ dàng phân biệt được ngày/đêm, cũng thêm phần tỉnh táo để bú mẹ.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |