
Theo quan niệm xưa, phụ nữ sau sinh nên kiêng tắm gội ít nhất một tháng để tránh ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, khi không tắm gội lâu ngày, tôi luôn cảm thấy bí bách, ngứa ngáy và luôn đặt câu hỏi liệu quan niệm của ông bà có còn phù hợp với thời hiện đại?
Hồng Thơm
Khi sinh bé đầu chưa nhiều kinh nghiệm, tôi không tắm gội mà chỉ lau rửa cho đến khi bé đầy tháng. Theo lời mẹ tôi, việc tắm gội quá sớm sẽ khiến phụ nữ thường xuyên rét lạnh, nổi gân tay gân chân, cơ thể dễ ốm yếu, đau nhức xương khớp về sau.
Trời tháng 6 nóng nực, lại phải ở trong phòng kín gió, tôi thật sự rất bí bách, ngứa khắp người và nổi nhiều hột đỏ. Không khí ngột ngạt cũng làm em bé khó chịu và hay quấy khóc.

Sau trải nghiệm ở cữ có phần khó chịu đó, tôi tham khảo ý kiến của các chị em trong hội mẹ bỉm, thậm chí nhờ bác sĩ khoa sản tư vấn chuyện tắm gội sau khi sinh.
Theo nhiều chị, lời khuyên phụ nữ ở cữ cần kiêng tắm gội xuất phát từ thực tế điều kiện sinh hoạt thiếu thốn ngày xưa với nhà tắm ngoài trời, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, không sẵn nước ấm để gội đầu… Tuy nhiên, quan niệm này đã trở nên “lạc hậu” trong xã hội hiện đại. Nếu kiêng tắm gội quá lâu, sản phụ có thể bị ngứa ngáy, khó chịu, nấm da đầu... gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của mẹ và bé.
Vì vậy, khi sinh bé sau, tôi ra sức thuyết phục người nhà để được tắm, gội cũng như sử dụng điều hòa cho mát mẻ hai mẹ con. Sau khi sinh bé 3 ngày, tôi đã tắm bằng nước lá (chanh, xả, gừng…) và duy trì 4-5 ngày gội đầu một lần. Cả mẹ và bé sạch sẽ, mát mẻ, thoải mái.

Tùy thuộc vào đẻ thường hay đẻ mổ và sức khỏe bản thân, mẹ bỉm có thể chủ động tắm gội trong thời gian phù hợp.
Theo tôi biết, phụ nữ sinh thường sau 2-3 ngày có thể tắm gội nhẹ nhàng được. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề như nên tắm bằng nước ấm, có thể sử dụng vòi hoa sen để tắm ở tư thế đứng, tắm nhanh, ở nơi kín gió và không nên tắm ngâm bồn vì ảnh hưởng đến vết mổ, hoặc vết rạch tầng sinh môn. Sau khi tắm xong, mẹ nên sấy tóc khô để đảm bảo sức khỏe.
Với phụ nữ sinh mổ, thời gian “đợi” tắm có thể kéo dài hơn, vì cần để vết mổ cần lành trước khi tiếp xúc với nước. 5-7 ngày khi vết mổ đã khô bề mặt và tình hình sức khoẻ ổn định, mẹ có thể tắm gội. Trước đó mẹ có thể lau rửa nhẹ nhàng tại nơi kín gió. Khi tắm, mẹ nên sử dụng nước ấm, tắm nhẹ nhàng với vòi hoa sen, tránh để nước len vào vết mổ. Sau khi tắm xong, nên dùng gạc sạch thấm khô vết mổ, tránh nước đọng lại gây viêm nhiễm.
Quan trọng nhất, trong thời gian ở cữ, mẹ nên giữ tâm trạng thoải mái, kết hợp cả phương pháp truyền thống và khoa học để không làm phụ huynh buồn lòng mà mình vẫn vui vẻ.