
Cách nhận biết thai máy là đặt tay lên bụng, đếm số lần cử động của thai nhi trong vòng 1 giờ.
Hồng Loan
Thai máy là thuật ngữ dùng để chỉ cử động của thai nhi khi nằm trong bụng mẹ, đó có thể là đạp chân, đá chân, lắc lư hoặc cú lộn vòng. Ngoài ra, thai máy cũng là cách thai nhi phản ứng lại với những tác động từ môi trường bên ngoài như tiếng ồn, ánh sáng hoặc thậm chí là thực phẩm mà mẹ nạp vào cơ thể.
Thông thường, mẹ sẽ không cảm nhận được chuyển động của thai nhi trong 1-12 tuần đầu tiên, tức là ba tháng đầu tiên. Mẹ bầu có thể theo dõi tần suất chuyển động của thai nhi để nhận biết dấu hiệu bất thường, đặc biệt là từ tam cá nguyệt thứ 3. Thai nhi có thể chuyển động ít hơn nếu bị bệnh hoặc gặp vấn đề khác. Mẹ nên liên hệ với bác sĩ nếu nhận thấy những thay bất thường.
Tam cá nguyệt thứ 2
Trong tam cá nguyệt thứ 2 (giai đoạn 13-28 tuần), các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn bắt đầu giảm dần. Bụng mẹ sẽ lớn hơn và mẹ cũng bắt đầu nhận thấy chuyển động của thai nhi.
Các chuyển động bắt đầu rất nhẹ mà đôi khi chỉ mẹ mới có thể nhận thấy. Tần suất chuyển động của thai nhi tăng nhanh hơn, đặc biệt trong tuần 16-22 của thai kỳ. Vào khoảng tuần thứ 20, các bác sĩ chuyên khoa có thể cảm nhận được chuyển động của thai nhi qua bụng mẹ.

Tam cá nguyệt thứ 3
Trong tam cá nguyệt thứ 3 (giai đoạn tuần 29-40), vị trí của thai nhi có thể tụt xuống thấp hơn. Mẹ bầu có thể nhận thấy chuyển động của thai nhi mạnh mẽ hơn, đồng thời có thể cảm nhận được tiếng nấc của con. Tần suất chuyển động của thai nhi cũng không có định, có thể mạnh mẽ hơn vào một số khung giờ nhất định trong ngày và trở nên “dịu dàng” hơn ở một số thời điểm khác.
Hầu hết bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo mẹ bầu nên theo dõi chuyển động của thai nhi, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3, bằng cách đếm chuyển động của con vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Nếu thai nhi có ít hơn 10 chuyển động trong khoảng thời gian 2-3 giờ, mẹ có thể liên hệ với bác sĩ để nhận tư vấn.
Khi nào mẹ cần liên hệ với bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Thai nhi cử động ít hơn bình thường
- Hình thức chuyển động của thai nhi khác lạ
- Không cảm nhận được cử động của thai nhi
Trích Medical News Today