
Thiếu sắt là vấn đề sức khỏe phổ biến trong thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi đang phát triển.
Thu Trang
Cơ thể cần sắt để sản xuất huyết sắc tố - sắc tố trong tế bào hồng cầu giúp đưa oxy đi khắp cơ thể. Cơ thể không đủ chất sắt sẽ không thể tạo ra đủ huyết sắc tố, từ đó làm mất oxy nuôi các tế bào trong cơ thể và có thể gây khó thở, yếu và nhịp tim tăng.
Nguyên nhân gây thiếu sắt khi mang thai?
Khi mang thai, lượng máu của mẹ bầu tăng lên đều đặn. Hầu hết mẹ bầu tăng 45% lượng máu vào tam cá nguyệt thứ 3. Lượng máu tăng lên đồng nghĩa mẹ bầu cần nhiều chất sắt hơn. Nếu không được cung cấp đủ sắt, mẹ bầu có thể bị thiếu máu.
Thiếu máu nhẹ là hiện tượng khá bình thường khi mang thai. Nó có thể gây ra các triệu chứng nhỏ hoặc không có triệu chứng nào cả. Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai và gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ bầu.
Dấu hiệu thiếu sắt khi mang thai
Nhiều triệu chứng khi mang thai tương tự như tình trạng thiếu sắt, vậy nên một số mẹ bầu khó thể nhận ra. Nếu nghi ngờ thiếu sắt, mẹ sẽ cần xét nghiệm máu để có được chẩn đoán chính xác.
Một số dấu hiệu thiếu máu, thiếu sắt hoặc cả 2 khi mang thai bao gồm: Cảm thấy thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi, hụt hơi, khó thở sau các hoạt động hàng ngày, da tái - đặc biệt ở móng tay và mí mắt trong.
Ai dễ có nguy cơ thiếu sắt?
Tất cả mẹ bầu đều có nguy cơ thiếu sắt. Một nghiên cứu năm 2020 trên những người mang thai cho thấy tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt tăng lên khi số tuần thai kỳ ngày càng tăng. Điều này xuất phát từ việc mang thai làm tăng lượng máu của cơ thể, từ đó tăng nhu cầu về chất sắt.
Ngoài ra, một số mẹ bầu có nguy cơ thiếu sắt cao hơn thông thường, cụ thể gồm: Những người có tiền sử chảy máu nhiều, bao gồm cả kinh nguyệt nhiều; người mang thai 2 lần gần nhau trong vòng 18 tháng; người không bổ sung đủ chất sắt; người ăn chay hoặc thuần chay; người mang thai đôi (hoặc nhiều hơn)…

Cách phòng ngừa và khắc phục thiếu sắt
Thiếu sắt là tình trạng phổ biến và tương đối dễ điều trị. Trong hầu hết trường hợp, mẹ bầu có thể dùng thuốc viên, viên nang hoặc chất bổ sung dạng lỏng. Những người bị thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng có thể cần tiêm sắt trực tiếp vào tĩnh mạch. Có thể mất vài tuần để lượng sắt trong cơ thể đạt mức bình thường. Cho đến lúc đó, mẹ bầu nên tìm đến sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh để đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất, đơn cử như ngủ trưa thường xuyên hơn, tránh vận động mạnh và nhờ bạn bè, gia đình giúp đỡ các công việc trong nhà.

Mẹ bầu có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về nguy cơ thiếu sắt của cơ thể.
- Uống thuốc bổ sung sắt hoặc vitamin trước khi sinh.
- Kết hợp thuốc cùng vitamin C khi bụng đói để tăng khả năng hấp thụ sắt.
- Chế độ ăn giàu chất sắt gồm các thực phẩm như rau lá xanh đậm, trứng, thịt đỏ và các loại đậu.
Theo MedicalNewsToday