

Khi con ốm, cha mẹ nào chả thương chả xót con. Là bác sĩ, khi khám bệnh tôi luôn muốn những em bé của mình nhanh khỏi bệnh nhưng cũng phải theo cách an toàn nhất, đơn giản nhất.
Vậy cần làm gì để đồng hành cùng con trong những lúc bé bị ốm?
1. Học cách đối diện thay vì than vãn
Mạng xã hội có rất nhiều thứ tích cực, giúp chúng ta chia sẻ và tiếp nhận thông tin nhanh hơn, đa chiều hơn. Nhưng nó cũng đầy dẫy nhưng thông tin bẩn mà nếu người đọc không có chọn lọc sẽ bị nạp thông tin bẩn đó vào đầu.
Thỉnh thoảng lướt mạng, tôi không khỏi giật mình khi một vài người con ốm lên than thở kiểu như “Con ho sốt thì uống thuốc gì?…” và rồi ít phút sau một loạt mẹ bỉm sữa tha hồ comment, đúng có, sai có và linh tinh theo kiểu "viêm tai thì thổi sáp ong" cũng nhiều. Chả khác gì câu chuyện ngụ ngôn đẽo cày giữa đường. Khổ thân không phải là những phụ huynh đó mà các em bé đã trở thành chuột bạch.

Tôi luôn cố gắng truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về bệnh, về các biểu hiện bệnh của con do đâu mà có, nguyên nhân gì, can thiệp như thế nào…; dùng thuốc gì, tác dụng chính tác dụng phụ gì; bao lâu cần khám lại. Dạy họ những kỹ năng cơ bản để chăm sóc, theo dõi trẻ. Mục đích để phụ huynh hiểu về bệnh của con và tuân thủ điều trị. Quan trọng hơn, tôi muốn mỗi ngày một chút họ sẽ hiểu biết về bệnh hơn để tự mình đề kháng với những thói quen không đúng. Vui là ngày càng nhiều phụ huynh như thế.
2. Kháng sinh không xấu mà rất cần. Quan trọng là sử dụng đúng
Thuốc sinh ra để giúp con người ngăn ngừa và chữa một số bệnh. Vì vậy kháng sinh, corticoid hay thuốc gì cũng đều có tác dụng chính của nó, sử dụng sao cho đúng là quan trọng nhất.
Có lẽ ít nơi trên thế giới gặp vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện như ở Việt Nam hiện nay. Điều này do cả nhận thức người dân muốn ngon - bổ - rẻ, không có thói quen đi khám bệnh mà chỉ ra quầy thuốc kể bệnh mua thuốc, một phần khác do chính những bác sĩ - nhân viên y tế cũng đã và đang lạm dụng thuốc.
Tôi có nói chuyện về chủ đề này với nhiều bạn cùng lớp sau đại học thì thấy rằng ở tỉnh nào cũng như nhau thôi, kể cả ở Hà Nội.
>> Đọc thêm: Trẻ uống kháng sinh hại nhiều hơn lợi?

Vậy phải làm gì khi đưa con đi khám bác sĩ?
Phụ huynh hãy chuẩn bị một số câu hỏi trước về các biểu hiện bệnh của con và mạnh dạn nêu những thắc mắc đó với bác sĩ. Phải được thảo luận cùng bác sĩ về vấn đề điều trị như thế nào. Đừng sốt ruột quá gây áp lực cho bác sĩ, khiến họ đôi khi biết nhưng vẫn kê thuốc để chiều theo ý muốn gia đình. Nhớ rằng bệnh không tự nhiên mắc, nó phải ủ bệnh vài ngày trước khi khởi phát nên khỏi bệnh cũng cần thời gian.
Tuyệt đối đừng tin và đừng bao giờ uống thuốc được kê nếu không có nhãn mác đầy đủ. Đừng bao giờ tự pha thuốc ở nhà (tôi từng biết có vài phụ huynh tìm khắp các quầy thuốc gần xa lọ gentamicin và dexa về để chế thuốc nhỏ mũi theo hướng dẫn của anh dược sĩ nọ trên mạng).
3. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh
- Dinh dưỡng đầy đủ cho bé, đa dạng về thực phẩm. Trẻ còn bú mẹ thì bú mẹ càng lâu càng tốt miễn mẹ không thấy phiền.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà bông trước và sau khi cho trẻ ăn, vệ sinh...
- Không thơm môi, thơm miệng, mớm trẻ ăn...
- Tránh khói bụi, thuốc lá, thuốc lào.
- Tránh người bị cúm, ho sốt…
- Tiêm phòng đầy đủ là rất quan trọng.
Nội dung được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |