
Lần đầu làm mẹ, mình đã rất lúng túng trong việc chuẩn bị đồ ăn dặm cho con. Trữ đông trở thành giải pháp tuyệt vời giúp mình tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo con có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, an toàn.
Hà Hiền
Là mẹ của một bé gái vừa tròn 1 tuổi, mình đã trải qua không ít “cuộc chiến” với việc chuẩn bị đồ ăn dặm cho con, nhất là khi bắt đầu đi làm văn phòng trở lại. Sau nhiều lần thử nghiệm, mình tìm ra những cách trữ đông đồ ăn dặm đơn giản mà hiệu quả. Hôm nay, mình muốn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế này để các mẹ có thể “giải phóng” bản thân khỏi những bữa ăn vội vã nhé.
Tại sao nên trữ đông đồ ăn dặm?
Thật ra, có rất nhiều lý do khiến mình quyết định trữ đông đồ ăn cho bé. Đầu tiên là để tiết kiệm thời gian. Các mẹ thử tưởng tượng xem, mỗi ngày chúng ta phải đứng bếp nấu nướng, sơ chế nguyên liệu, rồi lại phải xay… rất mất thời gian. Với việc trữ đông, mình chỉ cần dành một buổi trong tuần để chuẩn bị lượng lớn đồ ăn, sau đó chia nhỏ và bảo quản trong ngăn đá. Khi đến bữa, chỉ cần rã đông và chế biến, vô cùng tiện lợi.

Ngoài ra, trữ đông đồ ăn dặm giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mình rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Sau khi sơ chế, mình chia nhỏ đồ ăn và bảo quản trong tủ lạnh, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, đảm bảo bé luôn được ăn những bữa ăn sạch sẽ và an toàn.
Đặc biệt, trữ đông đồ ăn dặm giúp mình dễ dàng đa dạng hóa thực đơn cho con. Mình có thể chuẩn bị nhiều loại thực phẩm để thay đổi liên tục. Nhờ đó, con vừa không bị ngán, vừa được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Những lưu ý quan trọng khi trữ đồ ăn dặm cho con
Để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho bé, cần lưu ý một số điều quan trọng sau:
Chọn dụng cụ bảo quản phù hợp: Các mẹ nên ưu tiên sử dụng khay, hộp hoặc túi đựng thực phẩm chuyên dụng cho bé, có khả năng chịu nhiệt tốt và kín khí. Tránh sử dụng những hộp nhựa kém chất lượng vì có thể chứa các hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chia nhỏ phần ăn: Mình mua nhiều khay đựng thức ăn dặm có nắp đậy kín và khay đựng dạng viên để chia thức ăn thành từng phần nhỏ. Sau khi sơ chế thực phẩm, mình chia thành từng phần nhỏ vừa đủ cho mỗi bữa ăn của bé, dễ dàng rã đông và sử dụng.
Ghi rõ ngày trữ đông: Sau khi cho thực phẩm vào khay, túi, mình sẽ ghi rõ thời gian để kiểm soát hạn sử dụng, tránh tình trạng để quá lâu. Đối với mình, khoảng thời gian an toàn để trữ đông đồ ăn dặm là 1-3 tuần, nhưng tốt nhất là nên sử dụng trong vòng 1 tuần để đảm bảo dinh dưỡng và hương vị.
Rã đông đúng cách: Cách tốt nhất để rã đông đồ ăn là cho vào ngăn mát tủ lạnh qua đêm. Các mẹ nên hạn chế rã đông bằng lò vi sóng vì có thể làm đồ ăn bị quá nóng ở một số vị trí, gây mất cân bằng nhiệt độ và ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
Đối với đồ ăn đã rã đông mà bé không ăn hết, mình thường… ăn hộ con chứ không bảo quản lại vì việc đông lại lần thứ 2 có thể ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm và sức khỏe của con.

Đa dạng thực đơn: Mặc dù việc trữ đông đồ ăn rất tiện lợi, nhưng các mẹ cũng nên thường xuyên thay đổi thực đơn để con làm quen với nhiều loại thực phẩm, hương vị, giúp kích thích vị giác. Mỗi tuần, mình đều thay đổi các loại rau, củ, thịt, cá để con không bị ngán và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.
Tóm lại, mình thấy việc trữ đông đồ ăn dặm không chỉ là cách tiết kiệm thời gian, mà còn là một niềm vui nho nhỏ khi thấy con yêu thích các bữa ăn được chuẩn bị. Việc này ban đầu có thể mất chút thời gian, nhưng một khi đã quen, nó sẽ trở thành thói quen dễ dàng và vô cùng tiện lợi. Mỗi lần mở tủ đông, thấy những viên thức ăn được chuẩn bị chu đáo, mình cảm thấy an tâm vì biết rằng con sẽ được ăn những món ngon, bổ dưỡng và an toàn.
Chúc các mẹ cũng sẽ có những trải nghiệm ăn dặm vui vẻ và tràn ngập tình yêu thương bên con nhé!
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |