

Cần hiểu với những bé bắt đầu ăn dặm, chữ “dặm” ở đây chỉ là dặm thêm chứ không thay thế hoàn toàn một cữ sữa được. Vì thế mẹ vẫn cần cho con uống sữa trong giai đoạn ăn dặm.
Đều này càng đúng ở giai đoạn 1-2 tuần đầu tập ăn dặm, khi con mới ăn được vài thìa. Chính vì vậy, ba mẹ hãy nhớ là dặm thôi, đừng nghĩ là ăn dặm xong không cần cho con uống sữa nữa!
Nhu cầu sữa thay đổi ra sao khi bé ăn dặm?
Thông thường có thể cho con ăn dặm xong, nghỉ chừng 15-30 phút rồi cho bé uống sữa.
- Đối với những em bé mới bắt đầu ăn dặm, nhu cầu từ thực phẩm chỉ chiếm 10-20%, còn 80-90% năng lượng bé cần vẫn đến từ sữa.
- Khi bé khoảng 9 tháng thì nhu cầu năng lượng từ thực phẩm sẽ tăng lên 30-40%, phần còn lại là từ sữa.
- Khi em bé tầm 1 tuổi, nhu cầu năng lượng từ thực phẩm chiếm 50%. Lúc này, tôi khuyên lượng sữa bé uống không nên quá 500 ml/ngày.
Các mẹ sẽ thấy càng lớn bé cần nguồn năng lượng từ thực phẩm càng nhiều, bởi chỉ sữa (dù là sữa mẹ hay sữa công thức) thì không không thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con phát triển được. Ba mẹ cần tăng dần lượng ăn, giảm dần lượng sữa. Thế nên một số mẹ sẽ thấy ngực ngày càng mềm và ít sữa đi. Đó là do em bé tăng nhu cầu ăn thực phẩm bên ngoài, giảm nhu cầu sữa lại.
Tôi ví dụ em bé lúc 6 tháng đang bú khoảng 1 lít sữa/ngày. Một thời gian sau bé ăn dặm, chỉ còn bú khoảng 700-800 ml/ngày thôi. Đến tầm 1 tuổi, bé chỉ còn bú khoảng 400-500 ml/ngày. Bạn ấy ăn dặm tốt thì ngực của mẹ cũng chỉ sản xuất 400-500 ml/ngày. Lúc đó ngực mẹ không căng nữa là bình thường, và ngực sẽ càng ngày càng mềm bởi bé càng lớn sẽ bỏ sữa mẹ dần dần và thay thế bằng thực phẩm bên ngoài.

Bao nhiêu bữa ăn dặm một ngày là đủ?
- Nếu mới tập ăn dặm 1-2 tuần đầu, nên cho bé ăn khoảng 1 bữa/ngày.
- Khi bé được khoảng 6-7 tháng, số bữa ăn dặm có thể tăng lên 2 bữa/ngày.
- Đến khoảng 8-9 tháng có thể tăng lên 3 bữa/ngày, xen kẽ vào đó mẹ có thể cho bé ăn 1-2 bữa phụ (trái cây, sữa chua, bánh…). Bữa phụ này nằm giữa hai bữa chính nhưng cũng không được ăn quá gần với bữa chính sau để tránh bé quá no không ăn được bữa chính.
Nên cho ăn dặm trước hay ăn sữa trước?
Sẽ không có câu trả lời chính xác. Tôi thường bác khuyên ba mẹ cho ăn dặm trước, bú sau. Tuy nhiên, có một số bé háu ăn, đòi ăn liên tục, mẹ dừng đút thìa là khóc, đến mức sau đó cho ăn sữa cũng dỗi không chịu uống. Đối với những bé này, mẹ có thể cho bú trước rồi ăn dặm sau để tránh con ăn no quá mà giảm bú sữa.
Nhưng lý tưởng vẫn cho ăn dặm trước vì bé đói sẽ dễ hợp tác với ăn dặm hơn, ăn được lượng tốt hơn. Còn nếu đã bú sữa rồi thì sẽ ăn không được nhiều nữa.

Bữa ăn dặm và cữ sữa nên cách nhau bao lâu?
Chúng ta đều biết nếu có cảm giác đói thì ăn mới ngon. Em bé cũng vậy, một khi đã không có hứng thú thì mau chán và ăn ít. Cho nên nếu mẹ thấy con ăn mà không hào hứng, ăn ít thì cần xem khoảng cách giữa các bữa ăn đã đủ lâu chưa.
Thông thường tôi hay khuyên các mẹ là cữ ăn dặm cách cữ sữa trước, hoặc cách cữ ăn dặm trước khoảng 3,5-4 tiếng, bởi đó là khoảng thời gian thức ăn được tiêu hóa hết dù đó là sữa hay thức ăn đặc. Nếu mẹ nào đang xếp các cữ ăn của con 2 tiếng 1 lần chẳng hạn thì hãy thử điều chỉnh dài ra để em bé biết ngon miệng hơn và hợp tác ăn uống tốt hơn nhé!
Bài viết được tư vấn bởi BS Sữa Mẹ Lê Ngọc Anh Thy Bác sĩ Sữa Mẹ - Founder của Trung Tâm Tư vấn Sữa Mẹ BMC. Địa chỉ: Trung tâm Tư vấn Sữa Mẹ BMC, 3A Tân Canh, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp. HCM Hotline: 0764623046 - 0904755525 - 0769969525 hoặc quan tâm Zalo OA tại đây. |
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |