

Trẻ nhỏ dễ bị mắc dị vật mũi bởi trong quá trình chơi đùa, trẻ thường tò mò và không kiểm soát được hành động. Cha mẹ cần xử lý đúng cách để đảo bảo an toàn cho trẻ.
Khi phát hiện dị vật mũi, với những dị vật nhẹ như hạt xốp, người lớn có thể nhỏ nước muối vào mũi và khuyến khích trẻ xì nhẹ để đẩy dị vật ra ngoài. Một số dị vật kim loại nhỏ có thể dùng nam châm hút ra ngoài. Đặc biệt, nên tránh để trẻ khóc và sợ hãi vì khi đó trẻ có thể hít mạnh làm dị vật đi sâu và rơi xuống đường thở.

Trong những trường hợp sau đây, cha mẹ không được tự xử lý mà cần đưa ngay đến cơ sở y tế:
- Dị vật bị từ lâu, mũi có chảy máu hoặc chảy dịch hôi thối.
- Dị vật sắc nhọn.
- Dị vật là hóa chất có tính tẩy mạnh (xà phòng, acid, pin, cồn…)
Người lớn cần chú ý các biểu hiện cho thấy trẻ có khả năng đang mắc dị vật trong mũi để kịp thời xử lý. Với trẻ lớn, trẻ có thể sẽ nói với bố mẹ là con tự cho đồ vào mũi hoặc bị bạn cho vào mũi của mình. Trong trường hợp trẻ không nói, với dị vật mới mắc, trẻ có thể đau hoặc chảy máu mũi 1 bên; còn với dị vật đã mắc lâu, trẻ có thể bị chảy máu, chảy mủ và có mùi hôi một bên mũi.
>> Đọc thêm: Cách xử lý khi trẻ hóc xương cá, thạch rau câu
>> Đọc thêm: Đừng chủ quan với dịch mũi họng của trẻ