

Tắc tia sữa gây đau, sưng và ngứa dữ dội ở đầu ti, một vùng hoặc nguyên bầu ngực. Tắc tia có thể tự giải quyết bằng cách chườm ấm, chườm lạnh, massage nhẹ nhàng hoặc được xử lý chuyên môn bằng máy siêu âm đa tầng bởi nhân viên y tế có chuyên môn.
Tắc tia sữa có thể gây viêm vú, nhiễm trùng gây đau đớn và nhiều biến chứng sau đó. Những trường hợp tắc tia thể nhẹ có thể gây đau và điều trị bằng các biện pháp khắc phục tại nhà.
Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn các triệu chứng, nguyên nhân tắc tia sữa, các biện pháp khắc phục tại nhà để các mẹ xử lý và với trường hợp nào mẹ cần gặp nhân viên y tế.
Triệu chứng tắc tia sữa
Các triệu chứng phổ biến nhất của tắc tia bao gồm:
- Đau ở một vị trí cụ thể trong vú
- Xuất hiện một hay nhiều cục, các khối lổn nhổn trong bầu vú
- Ngực căng, sưng, nóng
- Một vùng da có mảng đỏ
- Sữa chảy chậm hơn ở một bên
- Có chấm nhỏ màu trắng trên núm vú được gọi là cặn sữa
- Đôi khi, một ống dẫn bị tắc có thể gây sốt nhẹ. Vì sốt cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng vú nên những người bị sốt kèm theo đau vú nên đi khám bác sĩ.
Nguyên nhân gây tắc tia sữa
Tắc tia sữa thường xuyên xảy ra ở phụ nữ đang cho con bú, mới sinh con, hút sữa và quyết định không cho con bú hoặc mới ngừng cho con bú.
Tắc tia cũng dễ xảy ra hơn nếu một phụ nữ đang cho con bú không hút hết sữa ra, khiến sữa tích tụ lại trong bầu ngực và làm tắc ống dẫn sữa.
Sữa mẹ sản xuất quá nhiều, bị dư khiến ngực lúc nào cũng trong tình trạng căng tức; em bé ngậm ti yếu hoặc mẹ bị đau nên cản trở việc cho con bú thường xuyên, dễ gây tắc ống dẫn sữa hơn.
Tuy nhiên, bất cứ người mẹ nào đang cho con bú đều có thể bị tắc tia sữa.

Một số yếu tố rủi ro bao gồm:
- Em bé chốt sai khớp ngậm
- Mẹ không vắt kiệt sữa sau mỗi lần bé bú/ hút
- Mẹ bỏ cữ hút, hút không đều
- Hút sai size phễu khiến đầu ti bị tổn thương
- Bé đột ngột giãn cữ bú làm sữa ứ lại trong ngực thời gian lâu
- Áp lực lên ngực do tư thế cho con bú không thoải mái, quần áo bó sát hoặc áo ngực có gọng
- Có lực mạnh tác động vào ngực như bé đạp trúng.
Điều trị và biện pháp khắc phục tắc tia tại nhà
Để giúp làm giảm tắc tia tại nhà, cách hiệu quả nhất là cho con bú đều đặn và tích cực. Mấu chốt của việc làm giảm tắc tia đó làm làm trống sữa trong bầu ngực tắc mỗi lần cho con bú. Vú cạn sữa hoàn toàn sẽ có cảm giác nhẹ hơn và giảm tình trạng tắc tốt hơn.
Sử dụng máy hút sữa để hút kiệt sữa sau mỗi lần cho con bú, hoặc hút kiệt sữa theo lịch L3 (cứ 3 tiếng hút một lần) nếu em bé ngậm bắt vú yếu/ sai khớp ngậm.
Một số cách có thể làm giảm đau ngực:
- Chườm nóng hoặc vải ấm trong 20 phút mỗi lần. Để nước nóng chảy lên ngực khi tắm.
- Thay đổi tư thế cho con bú sao cho cằm của bé hướng về phía tia sữa bị tắc, như vậy giúp massage vùng ngực, dễ dàng rút được sữa ở vị trí tắc.
- Massage nhẹ nhàng xung quanh vị trí tắc, TRÁNH làm quá thô bạo mạnh tay vì dễ khiến tình trạng nặng hơn.
- Mặc quần áo rộng rãi và không mặc áo lót có gọng.
- Ngoài ra sẽ có trường hợp ổ tắc tiến triển thành ổ viêm làm tình trạng đau nặng hơn, mức độ đau không giảm sau khi xử lý tại nhà dẫn đến tình trạng viêm vú, viêm vú do nhiễm trùng. Lúc này mẹ cần gặp bác sĩ.
Các mẹ không nên cố gắng điều trị viêm vú hoặc nghi ngờ viêm vú tại nhà. Gặp bác sĩ sữa mẹ/ nhân viên y tế có chuyên môn càng sớm càng tốt để điều trị, giúp giảm nguy cơ biến chứng sau này.

Khi nào đi khám bác sĩ?
Một ống dẫn bị tắc có thể gây đau, nhưng nó không phải là trường hợp cấp cứu y tế. Tuy nhiên, tốt nhất mẹ nên đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:
- Đau quá nhiều ở ngực
- Sốt
- Ngực có triệu chứng sưng, nóng, đỏ
- Tình trạng không giảm sau 48 tiếng
- Tắc tia tái đi tái lại nhiều lần
Phòng ngừa tắc tia sữa
- Cách phòng ngừa tắc tia hiệu quả nhất là cho bé bú mẹ trực tiếp tích cực, mềm hết mỗi bên ngực.
- Hút sữa đều không để sữa ứ lại trong ngực quá lâu.
- Mặc quần áo rộng rãi, chẳng hạn như áo cho con bú thoải mái và áo ngực không gọng
- Những mẹ có quá nhiều sữa, nghĩa là hút sữa nhiều hơn nhu cầu của em bé có nguy cơ tắc tia cao. Mẹ cân nhắc giảm sữa xuống bằng nhu cầu của con.
- Chọn đúng size phễu, lịch hút phù hợp
- Tắc tia cũng xảy ra khi bé bú sai khớp làm tổn thương đầu ti. Do đó mẹ cần đảm bảo hỗ trợ bé chốt khớp ngậm sâu và chính xác.
Bài viết được tư vấn bởi BS Sữa Mẹ Lê Ngọc Anh Thy --- Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |