
Theo một số nghiên cứu, từ 11% đến 38% phụ nữ mang thai gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, bao gồm táo bón. Khi mang thai, táo bón không chỉ đơn thuần là một mối phiền toái. Cảm giác nặng nề, đầy hơi, kết hợp việc bụng ngày càng to ra, có thể khiến bạn cực kỳ khó chịu.
Hà Nhi
Nguyên nhân gây táo bón khi mang thai
Những thay đổi nội tiết tố như nồng độ hormone progesterone ngày càng tăng trong thai kỳ làm chậm hoạt động của hệ tiêu hóa, dẫn đến những khó chịu khi mang thai như táo bón.
Táo bón và khó chịu cao hơn trong thời kỳ đầu mang thai do tử cung nghiêng về phía sau (ngược) cho đến khoảng 12 tuần và sự thay đổi đột ngột của nồng độ progesterone trong máu.

Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, áp lực do tử cung đang phát triển đè lên ruột của bạn sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc tiêu thụ chất bổ sung sắt và canxi, lượng chất xơ thấp, thiếu tập thể dục, mất nước, và lo lắng có thể gây ra hoặc góp phần gây ra táo bón. Các nguyên nhân hiếm gặp và nghiêm trọng khác như bệnh trĩ và nứt hậu môn.
Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả để giảm táo bón khi mang thai.
1. Chanh
- Chanh hỗ trợ tiêu hóa. Axit xitric trong nước chanh có thể giúp tạo ra các cơn co thắt ruột và giúp phân dễ dàng di chuyển. Vì đồ uống nóng cũng có thể giúp giảm táo bón, nên việc thêm chanh vào nước nóng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
- Cách làm: Vắt nửa quả chanh tươi vào cốc nước ấm và cho thêm mật ong vào để tăng hương vị. Bạn có thể uống 2 lần/ngày.
2. Nước
- Khi mất nước, cơ thể sẽ lấy nước từ ruột, gây táo bón. Uống đủ nước sẽ làm mềm phân và giúp bạn đi tiêu dễ dàng.
- Bạn có thể uống khoảng 8-10 ly nước trong ngày để có được lượng chất lỏng mong muốn.

3. Quả có múi (cam)
- Cam rất giàu vitamin C, rất cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ, thiếu chất này sẽ gây táo bón.
- Cách làm: Ăn một hoặc hai quả cam (hoặc bất kỳ loại trái cây họ cam quýt nào khác) mỗi ngày.
4. Hạt lanh
- Chúng là nguồn cung cấp axit béo Omega-3 tuyệt vời giúp giữ lại chất lỏng trong cơ thể. Hạt lanh chứa đầy chất xơ và cũng chứa chất nhầy hỗ trợ hình thành khối xung quanh phân.
- Lấy khoảng nửa thìa hạt lanh xay và thêm vào chế độ ăn uống của bạn dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng lượng tiêu thụ dần dần lên 2 muỗng canh.
5. Xoa bóp
- Massage bụng giúp giảm táo bón bằng cách thư giãn các cơ, loại bỏ mọi khó chịu và kích thích nhu động ruột. Massage được thực hiện khi ngồi, đứng hoặc nằm trong 15 phút sẽ giúp bạn thư giãn hoàn toàn.
- Cách làm: Nhẹ nhàng xoa bóp bụng bằng phần phẳng của ngón tay (thay vì đầu ngón tay) theo chiều kim đồng hồ. Bắt đầu với bên phải (đại tràng lên), sau đó ngay dưới lồng ngực (đại tràng ngang) và sau đó là bên trái (đại tràng xuống) của bụng. Luôn đảm bảo bạn massage theo chiều kim đồng hồ vì đó là hướng của dòng ruột.
6. Bấm huyệt:
- Đây là cách áp dụng áp lực lên các điểm phản xạ để kích thích cơ quan bị ảnh hưởng. Bấm huyệt giúp cơ thể thư giãn và giảm bớt cảm giác uể oải do táo bón.
- Cách làm: Hãy nhờ chồng hoặc người thân xoa bóp lòng bàn chân trên của bạn để thư giãn vì nó giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể xoa bóp các cạnh của lòng bàn tay nếu không có ai giúp đỡ, hoặc đặt một chai nước dưới lòng bàn chân và lăn qua lăn lại.

7. Ăn nhiều chất xơ
- Chất xơ hỗ trợ nhu động ruột trơn tru. Nó cũng cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh.
- Lựa chọn tốt cho mẹ bầu là các loại đậu, trái cây sấy khô (mơ, chà là, nho khô, quả sung, mận khô), ngũ cốc nguyên hạt (bột yến mạch, quinoa, rau dền), các loại hạt (hạnh nhân, hạt gai dầu, hạt chia), trái cây (bơ, lê, quả mọng) và rau nấu chín.

8. Tiêu thụ chất béo lành mạnh
- Tiêu thụ đủ chất béo lành mạnh có thể cải thiện nhu động ruột của bạn.
- Bạn có thể ăn một quả bơ mỗi ngày hoặc thêm các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh khác như các loại hạt vào chế độ ăn uống của mình.
9. Sữa chua
- Là nguồn giàu men vi sinh, sữa chua hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng cách thay đổi các vi sinh vật trong ruột và tăng nhu động ruột.
- Mẹ bầu nên ăn một cốc sữa chua nguyên chất mỗi ngày.

Theo momjunction