
Hành trình sinh con đầu lòng của mình khá thuận lợi, thậm chí mình làm việc đến gần ngày dự sinh. Một phần vì công việc văn phòng khá nhẹ nhàng, con ngoan và khỏe mạnh suốt thai kỳ, phần vì mình luôn có ý thức đảm bảo an toàn sức khỏe khi đến công sở.
Mộc Trà
Mình nghĩ quyết định làm việc đến ngày dự sinh hay không phụ thuộc nhiều yếu tố như sức khỏe của mẹ bầu, tính chất công việc và sự hỗ trợ từ gia đình. Nếu mẹ bầu cảm thấy khỏe mạnh và công việc không quá nặng nhọc thì có thể tiếp tục công việc. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý các dấu hiệu chuyển dạ và chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh nở, đặc biệt tránh một số hành động gây hại cho thai nhi.
Tuyệt đối không nâng và mang vác vật nặng
Có thể các mẹ đã biết, việc nâng vác vật nặng với người bình thường có thể gây đau lưng, nhức mỏi cơ bắp, tổn thương cơ về lâu dài. Với mẹ bầu, hành động này còn nguy hiểm gấp bội khi tăng nguy cơ bong nhau thai, sinh non. Mình khuyến cáo các mẹ tuyệt đối không được nâng vật nặng, trường hợp bắt buộc bạn cần nhờ người khác giúp đỡ.
Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài
Mình biết đặc thù một số công việc cần đứng nhiều (tiếp tân, nhân viên thu ngân…) hoặc ngồi lâu (nhân viên văn phòng). Tuy nhiên, việc này có thể khiến mẹ bầu gặp tình trạng sưng phù chân tay, đau lưng mỏi cổ. Để thả lỏng cơ thể, các mẹ bầu nên đi lại, vươn vai, hít thở sau khoảng 30 phút để các cơ được thư giãn, giúp lưu thông máu… Một mẹo nhỏ mà mình vẫn áp dụng là cài báo thức trên điện thoại mỗi 30-45 phút. Khi phải đứng lâu, các mẹ có thể đặt ghế tựa bên cạnh để nghỉ ngơi khi có thể, nhờ đồng nghiệp hỗ trợ để có thời gian ngồi thư giãn.

Làm việc ở nơi có khả năng tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm
Ngoài sử dụng đồ bảo hộ cá nhân (đeo khẩu trang y tế, găng tay, áo quần bảo hộ), mẹ nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn; tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng; giữ khoảng cách với người bệnh nếu có thể.
Tiếp xúc với các chất độc hại
Hóa chất như chì, thủy ngân, Bisphenol A (BPA) có thể được tìm thấy trong nhiều sản phẩm như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng, chất tẩy rửa, sơn… Điều đáng lo ngại là các hóa chất này có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi, sảy thai hoặc thai chết lưu. Do đó, mẹ bầu cần tránh tiếp xúc với hóa chất này khi mang thai, trong trường hợp bắt buộc, mẹ cần làm tốt công tác bảo hộ bằng khẩu trang, găng tay cao su, đồ bảo hộ. Tuy nhiên theo mình, để đảm bảo an toàn, mẹ nên ngưng hẳn các công việc liên quan đến các hóa chất độc hại để đảm bảo sức khỏe hai mẹ con.
Làm việc trong môi trường căng thẳng, mệt mỏi
Stress kéo dài khi mang thai có thể dẫn đến nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân, tăng huyết áp thai kỳ và ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi. Trong khi đó, phụ nữ mang thai xu hướng nhạy cảm và dễ tủi thân hơn, khả năng chịu áp lực cũng không còn như trước. Nếu cảm thấy công việc đang quá áp lực, mẹ bầu cần chia sẻ với sếp và đồng nghiệp về việc bạn đang mang thai và cần được hỗ trợ để giảm bớt căng thẳng trong công việc; trao đổi về những công việc có thể gây áp lực cho bạn và đề xuất giải pháp để giảm bớt gánh nặng; yêu cầu sắp xếp lại thời gian làm việc hoặc công việc nếu cần thiết.

Ngoài các lưu ý trên, để đảm bảo an toàn sức khỏe, mẹ bầu cần tránh làm việc ở trên cao, làm việc một mình, làm việc ở nhiệt độ quá cao/quá thấp hoặc môi trường độc hại, tiếng ồn lớn, rung động mạnh. Mức độ nguy hiểm của các trường hợp này khác nhau, nhưng nhìn chung đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Cuối cùng, mình chỉ muốn nhắn nhủ các mẹ nếu bắt buộc làm việc trong những môi trường nguy hiểm, mẹ cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, cần thiết thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tiếp tục làm việc hoặc nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi.