
Cá hồi chứa nhiều protein và amino acid hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu. Ngoài ra, cá hồi cũng chứa các loại vitamin mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho cả thai nhi và mẹ bầu. Hôm nay, mẹ Su Hào sẽ bật mí 3 cách chế biến cá hồi đảm bảo khiến các mẹ thích mê, ăn tốn cơm lắm đó nhé.
Mẹ Su Hào
Ngay từ khi có bầu, mình rất chú ý đến chế độ ăn uống vì đó là con đường ảnh hưởng rõ ràng nhất tới sức khỏe, thể chất cũng như tinh thần của cả mẹ lẫn em bé. Việc chú ý đến chế độ ăn uống giúp mình tăng cân có kiểm soát, mẹ khỏe và thai phát triển trong chỉ số ổn định. Khi lựa chọn các thực phẩm, mình ưu tiên nguồn đạm từ thịt và cá. Nhất là cá, trong đó, không thể bỏ qua một món mà cả nhà mình đều thích là cá hồi.
Trước đây, mình và chồng vô cùng thích sashimi cá hồi đến nỗi mỗi tuần ăn ít nhất một bữa. Ngon là thế nhưng khi có con yêu, mình tuyệt đối không ăn món này nữa. Đồ ăn sống chắc chắn mang nhiều nguy cơ, mình tạm giữ miệng, an toàn cho con mới là quan trọng nhất.
Thay vào đó, mình chế biến cá hồi thành món chín. Kết quả là vẫn rất ngon và quan trọng là an toàn các mẹ ạ. Giới thiệu tới các mẹ 3 món mình đã thử và rất thành công nhé.
Cá hồi sốt cam
Cá hồi sốt cam lạ miệng, giúp mẹ bầu ăn ngon hơn. Ảnh: Happy Food Tube
- Nguyên liệu: Phi lê cá hồi, măng tây, cam, bơ lạt, tỏi, mùi tây, sữa tươi không đường, mật ong, dầu ôliu, muối, đường.
- Sơ chế:
+ Ngâm cá hồi trong sữa tươi không đường khoảng 10 phút, rửa lại với nước và cắt miếng vừa ăn có độ dày khoảng 2 lóng tay. Sau đó, xoa đều 1/2 muỗng cà phê muối lên bề mặt cá hồi, ướp 10 phút cho thấm gia vị.
+ Măng tây, mùi tây rửa sạch, cắt khúc vừa ăn.
+ Cam cắt đôi rồi vắt lấy nước cốt. Tỏi băm nhỏ.
- Tiến hành:
+ Bắc chảo lên bếp mở lửa vừa, cho vào chảo 1/2 muỗng cà phê dầu ô liu, đợi dầu nóng, cho cá hồi vào áp chảo mỗi mặt 30 giây rồi cho ra đĩa. Ở chảo vừa áp chảo cá hồi, mở lửa vừa rồi cho 1/2 phần tỏi băm và măng tây vào đảo nhanh 1 phút rồi tắt bếp.
+ Bắc chảo lên bếp mở lửa vừa, cho bơ lạt, tỏi băm còn lại vào phi thơm. Khi tỏi vàng thơm, cho nước cốt cam, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng canh mật ong. Đảo đều và nêm nếm vừa ăn, tắt bếp.
+ Bày cá hồi ra dĩa, thêm măng tây, trang trí thêm mùi tây và chan nước sốt cam lên là hoàn thành.
Cá hồi áp chảo sốt xì dầu
Cá hồi sốt xì dầu đậm vị, dễ làm. Ảnh: TNH elearning.
- Nguyên liệu: Cá hồi, tỏi, xì dầu, bột ngọt, đường, gừng, hành lá, sữa tươi không đường
- Sơ chế: Cá hồi mua về sơ chế theo cách bên trên
- Tiến hành:
+ Phi tỏi rồi chiên cá cho vàng đều hai mặt.
+ Pha sốt xì dầu: Dùng 2 muỗng canh xì dầu pha cùng bột ngọt, đường. Sau đó, bắc một cái chảo lên, cho dầu vào, đợi dầu nóng thì cho gừng cắt sợi cùng chén xì dầu vừa pha và 1 chén nước lọc. Thêm hành lá và ớt rồi đảo đều. Cuối cùng, rưới phần sốt xì dầu lên cá hồi là xong.
Ruốc cá hồi

Mẹ bầu có thể bảo quản ruốc cá hồi trong tủ lạnh. Ảnh: mykeuken
- Nguyên liệu: Cá hồi, sữa tươi không đường, gừng
- Sơ chế:
+ Rửa cá, lọc da, cắt thành những miếng vuông nhỏ, ngâm cùng sữa tươi để khử bớt mùi tanh khoảng 30 phút vớt cá ra và để ráo.
+ Gừng giã nhuyễn và cho vào chén đựng 50 ml nước nóng. Ngâm khoảng 5 phút, sau đó lấy rây lọc bỏ phần bã, giữ lại nước gừng để hấp cá.
- Tiến hành:
+ Hấp cá: Cho cá vào đĩa hoặc bát, sau đó tưới nước gừng lên và hấp trong khoảng 20 phút.
+ Xay cá: Sau khi hấp xong, lấy tay xé nhỏ hoặc lấy nĩa tán nhuyễn. Sau đó cho vào máy xay nhuyễn cá.
+ Rang khô cá: Cho thịt cá đã xay nhuyễn lên chảo rồi rang trong lửa nhỏ. Trong quá trình rang, cần lấy đũa đảo liên tục để thịt cá được khô đều mà không bị cháy. Đến khi thấy thịt cá bông, khô lại và chuyển qua màu vàng nhạt thì tắt bếp.
Mình đã được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn và khuyến khích ăn cá hồi trong thai kỳ. Bởi cá hồi chứa nhiều axit béo không no, rất tốt cho quá trình phát triển hệ thần kinh và não bộ của thai nhi. Phụ nữ mang thai nên ăn cá hồi để giúp não bộ thai nhi phát triển toàn diện. Đặc biệt, so với cá thu, cá hồi chứa hàm lượng thủy ngân rất thấp. Các mẹ nên chế biến thành nhiều món để ăn không bị ngán nhé.