
Sự gia tăng nội tiết tố và những thay đổi sinh lý trong thời kỳ mang thai có thể khiến các vấn đề về dạ dày của mẹ bầu nghiêm trọng hơn.
Cúm dạ dày, hay còn được gọi với cái tên viêm dạ dày ruột do virus, là một bệnh nhiễm trùng do virus gây viêm cấp tính ở niêm mạc ruột. Phụ nữ mang thai với hệ thống miễn dịch suy yếu cùng các thay đổi trong cơ thể dễ mắc cúm dạ dày, khiến việc ăn uống và giữ gìn sức khỏe khó khăn hơn.
Thông thường, virus cúm dạ dày lây truyền sang người bệnh từ nguồn nước hoặc thực phẩm không sạch, chế biến trong điều kiện thiếu vệ sinh hoặc không được nấu chín đúng cách. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể nhiễm virus khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, hoặc để tay chưa rửa vào miệng sau khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm.
Trong thời kỳ đầu, khi các mẹ bầu mệt mỏi vì ốm nghén, cúm dạ dày thường khó để xác định hơn. Tuy nhiên, nếu nôn mửa và buồn nôn đi kèm tình trạng bỏ ăn, chuột rút, sốt hoặc tiêu chảy thì các mẹ bầu nên cẩn thận vì đã có nguy cơ nhiễm cúm dạ dày.

Theo trang thông tin Momjunction, để làm dịu các triệu chứng khó chịu của bệnh dạ dày mạn tính cũng như cúm dạ dày, mẹ bầu có thể áp dụng những phương pháp an toàn và hiệu quả dưới đây:
Uống nhiều nước
Khi bị cúm (cúm dạ dày cũng không ngoại lệ), mẹ bầu cần bổ sung đủ nước để tránh mất nước. Cơ thể mẹ thiếu nước có thể làm giảm thể tích máu, từ đó ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi đang phát triển. Đi tiểu nhiều lần, tiểu ít, nước tiểu có màu sậm, khô môi, choáng váng… là dấu hiệu của việc mẹ cần bổ sung thêm nước. Ngoài ra, mẹ bầu nên hạn chế các loại thức uống chứa caffein như trà, cà phê, socola và đồ uống chứa cồn để giảm cảm giác khó chịu của bệnh dạ dày.

Nghỉ ngơi đủ
Cảm giác mệt mỏi vì bệnh dạ dày có thể khiến mẹ không thoải mái. Lúc này, mẹ bầu cần dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Mẹ bầu có thể uống thêm một tách trà gừng hoặc bạc hà ấm trước khi nằm nghỉ để làm dịu cơn đau.
Bổ sung lợi khuẩn đường ruột
Các loại lợi khuẩn trong đường ruột sẽ tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể mẹ và thai nhi khỏe mạnh hơn, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ bệnh cúm và dạ dày trong thai kỳ. Mẹ có thể bổ sung lợi khuẩn bằng cách ăn thêm sữa chua, giấm táo, viên uống bổ sung men vi sinh… Tuy nhiên, các mẹ không nên ăn hoặc uống đồ quá chua vì có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng loét bao tử, thay vào đó nên pha loãng hoặc chia thành lượng nhỏ, dùng nhiều lần trong ngày. Đồng thời, không nên tùy ý sử dụng thuốc chữa đau dạ dày trong khi mang thai mà nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Tăng cường dinh dưỡng
Các loại thực phẩm tốt không chỉ cải thiện cơn đau dạ dày, mà còn góp phần tăng cường miễn dịch cho mẹ và bé. Trong thai kỳ, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm tự nhiên, giàu vitamin như trái cây, chất đạm, carb tốt, đồng thời hạn chế thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng và gia vị có thể khiến tình trạng khó chịu của dạ dày tăng lên.
Theo Momjunction