
Mốc 32 tuần là ngưỡng tuổi thai tối ưu để chẩn đoán thai chậm tăng trưởng.
Chi Anh
Thai chậm tăng trưởng là gì?
Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) định nghĩa thai chậm tăng trưởng (FGR) là ước lượng cân nặng thai nhi trên siêu âm nhỏ hơn so với tuổi thai (tình trạng trước sinh). Thông thường thai chậm tăng trưởng có tần suất khoảng 10% thai kỳ. Đáng nói, FGR có thể bắt đầu ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ, tuy nhiên mốc 32 tuần là ngưỡng tuổi thai tối ưu để chẩn đoán. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cân nặng tổng thể của bé và sự phát triển của các cơ quan, mô cùng tế bào.
Nguyên nhân
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ FGR, liên quan đến nhau thai và dây rốn, hoặc do cả mẹ và bé. Trong đó, yếu tố tăng nguy cơ FGR ở mẹ gồm: Huyết áp cao hoặc mắc bệnh tim và mạch máu khác; tiểu đường; thiếu máu (thiếu hồng cầu); các bệnh về phổi hoặc thận mãn tính; bệnh tự miễn như lupus; cân nặng rất thấp; thừa cân nghiêm trọng; dinh dưỡng kém hoặc tăng cân không đủ; sử dụng rượu hoặc ma túy; hút thuốc lá.
Các yếu tố tăng nguy cơ FGR ở bé gồm: Là một em bé trong thai đôi, thai ba; nhiễm trùng; dị tật bẩm sinh như dị tật tim; vấn đề về gene hoặc nhiễm sắc thể.
Triệu chứng
Trẻ sơ sinh mắc FGR có thể gặp một số dấu hiệu sau sinh như cân nặng thấp, đường huyết thấp, nhiệt độ cơ thể thấp, mức hồng cầu cao, dễ nhiễm trùng.

Chẩn đoán
Mục tiêu chính của việc khám thai định kỳ là đảm bảo thai nhi phát triển tốt. Trong suốt thai kỳ, kích thước của em bé được ước lượng bằng nhiều phương pháp. Trong đó, phổ biến nhất là cách đo chiều cao tử cung. Bác sĩ sẽ đo khoảng cách từ xương mu đến đỉnh tử cung (cm). Sau tuần 20, chiều cao này sẽ tương đương số tuần mang thai.
Ví dụ, ở tuần thai 24, chiều cao tử cung vào khoảng 24 cm. Nếu chiều cao tử cung thấp hơn, đây có thể là dấu hiệu của FGR.
Khi nghi ngờ thai chậm phát triển, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện các xét nghiệm khác như siêu âm thai nhi, siêu âm Doppler.
Điều trị
Cách điều trị phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của tình trạng FGR - được đánh giá dựa trên siêu âm (ước lượng cân nặng thai nhi), siêu âm Doppler (máu truyền qua nhau thai), các yếu tố nguy cơ và số tuần mang thai. Quy trình điều trị bao gồm:
- Theo dõi thường xuyên: Thai phụ cần khám thai thường xuyên, thực hiện siêu âm Doppler và làm các xét nghiệm khác.
- Theo dõi cử động thai nhi: Bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu theo dõi cử động của thai nhi để đánh giá tình trạng sức khỏe.
- Thuốc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu sử dụng thuốc để giúp phổi của bé phát triển.
- Nhập viện: Nếu tình trạng nghiêm trọng, bạn cần phải nhập viện để được theo dõi chặt chẽ.
- Sinh sớm hoặc mổ lấy thai khẩn cấp: Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ ra quyết định sinh sớm hoặc mổ lấy thai để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé.

Biến chứng có thể xảy ra
FGR có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn sinh non và lưu viện. Thai nhi sau sinh có thể bị khó thở, nhiễm trùng và nhiều vấn đề khác. Thậm chí mẹ bầu có thể đối mặt tình trạng thai chết lưu hoặc tử vong. Hơn thế, khi trưởng thành, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh về tim mạch.
Cách phòng ngừa
Một số thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng thuốc có thể tăng nguy cơ mắc FGR. Chăm sóc sức khỏe trước sinh kỹ lưỡng, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cân ổn định giúp mẹ bầu phòng ngừa FGR.
Theo Stanford Medicine Children’s Health và ISUOG Practice Guidelines.