
Nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng khi con mình hay tháo tung, “bạo hành” đồ chơi, hoặc không có thói quen dọn dẹp ngăn nắp. Trong những trường hợp này, bố mẹ cần làm gì?
Giang Anh
1. Đặt ra quy tắc và giám sát
Trong giờ chơi của con, bạn hoặc một thành viên khác trong gia đình có thể hướng con tham gia những hoạt động nhẹ nhàng, đồng thời thường xuyên để mắt để kịp thời xử lý khi con bắt đầu đập phá đồ chơi vì vô tình hoặc tức giận.
Bạn hãy đặt ra một quy tắc, đơn cử như với quần áo và bút màu, hãy nói với con: Quần áo phải treo lên và việc tô màu chỉ được thực hiện tại bàn học. Sau đó, bạn cho con thấy nơi có các móc để treo quần áo và giúp con treo chúng (sau đó yêu cầu con tự làm khi con đã học được) thay vì để quần áo vương vãi trên sàn khiến con có thể chẳng may dẫm lên.
Ngoài ra, bạn hãy đưa con một tờ giấy và bút màu để con ngồi vẽ đúng chỗ, thay vì vẽ trực tiếp lên mặt bàn hay tường.
2. Dành lời khen
Bạn hãy khen ngợi khi con biết giữ gìn đồ chơi. Bạn có thể nói: "Con đã rất cẩn thận khi điều khiển chú chó biết nói và đặt búp bê về nhà của bạn ý. Những đồ chơi này sẽ rất bền vì con đã chăm sóc các bạn một cách cẩn thận và nhẹ nhàng".
3. Áp dụng cách như ông bà từng làm
Thế hệ ông bà từng áp dụng nhiều quy tắc rất hay trong việc giúp lũ trẻ xây dựng thói quen giữ gìn đồ chơi, mà một trong số đó là khi trẻ đã tạo ra một mớ “hỗn độn” như dùng bút màu vẽ lên tường, bạn hãy nói với con: "Khi con lau sạch bút màu thì con mới có thể quay lại chơi tiếp".
4. Tạo sự đồng cảm
Hãy nhẹ nhàng và bình tĩnh hỏi con những câu này: "Con nghĩ em con cảm thấy thế nào khi con xé rách bài làm của em? Con sẽ cảm thấy thế nào nếu em xé rách một cái gì đó của con? Con chắc chắn không thích điều đó, phải không?".
Sau đó, hãy nói với con rằng việc quan tâm và tôn trọng tài sản của người khác là điều cần thiết. Hãy đối xử nhẹ nhàng với đồ chơi của người khác, nếu không thì đừng chạm vào chúng. Bởi con cũng sẽ muốn người khác đối xử nhẹ nhàng với đồ chơi của con.

5. Đưa ra lời giải thích
Bạn có thể nói "Đừng xé sách" và giải thích lý do vì sao hành động đó không đúng bằng cách nói với con: "Chúng ta hãy giữ sách nguyên vẹn để có thể đọc tiếp sau này". Sau đó, bạn có thể nói với con điều con nên làm thay vì xé sách: "Sách được tạo ra để đọc. Mẹ con mình hãy cùng đọc cuốn sách này".
Những lời giải thích này không chỉ có tác dụng nhắc nhở con về hành vi không được thực hiện, mà còn dạy bé những điều nên làm. Hành vi xé sách hay vẽ bẩn lên sách xuất phát từ việc con chưa nhận thức được thứ gì cần giữ gìn và thứ gì không. Vì vậy để chắc chắn, bạn hãy đặt những đồ vật con không nên tiếp xúc ở xa tầm với của bé.
6. Để đồ dễ vỡ xa tầm với
Con có thể mải chạy theo chú cún cưng và vô tình quẹt phải vỡ bình hoa, cốc thủy tinh khiến nó vỡ tan. Để tránh điều này, bạn hãy đặt các vật dễ vở ở nơi an toàn để con không thể va vào khi di chuyển.
7. Cất đồ trong chiếc hộp đặc biệt
Để con rèn tính cẩn thận, bạn hãy cất những giấy tờ con có thể xé hoặc cắt trong một hộp đặc biệt. Bạn hướng dẫn con phân biệt loại giấy nào gì được phép cắt, loại nào để thực hành vẽ.
Bạn có thể nói với con: "Hộp giấy này đựng các đồ con sử dụng khi ngồi ở bàn. Nếu con muốn vẽ hoặc cắt, hãy hỏi mượn mẹ bút và kéo". Sau đó, đừng quên dành lời khen khi con biết hỏi xin mẹ trước khi cắt, vẽ hoặc xé giấy. Đó là cách bạn rèn sự cẩn thận cho con.
8. Tạo không gian để con bình tĩnh
Nếu bạn đã thủ thỉ tâm tình nhưng con vẫn tiếp tục phá đồ chơi, hãy lặp lại lời phê bình và cho con không gian để bình tĩnh lại sau đó. Khi con đã bình tĩnh, bạn có thể trò chuyện với con về quy tắc chăm sóc quần áo, đồ chơi... bằng cách nhắc con lặp lại quy tắc đã được đưa ra. Cuối cùng, hãy dành cho con cái ôm thật chặt, để con hiểu rằng bạn đang đồng hành cùng con trong việc học cách chăm sóc đồ đạc của mình.
Theo Behavior Checker