
Chia sẻ trên UNICEF, Lucie Cluver - Giáo sư công tác xã hội, gia đình và trẻ em của Đại học Oxford - cho biết kỷ luật tích cực có thể giúp cha mẹ xây dựng mối quan hệ tích cực với con cái, đồng thời dạy trẻ về trách nhiệm, sự hợp tác và tính tự giác.
Chẳng cha mẹ nào muốn rơi vào tình huống không thể kiểm soát cảm xúc khi con mắc sai lầm. Nhưng đây là hành động quen thuộc, bộc phát khi chúng ta căng thẳng và không tìm được giải pháp.
Cũng theo các chuyên gia, thực tế phương pháp trừng phạt theo kiểu la hét và “tác động vật lý” không giúp ích cho sự phát triển của con.
“Chúng tôi nỗ lực tìm đến cách tiếp cận khác, gọi là kỷ luật tích cực. Thay vì trừng phạt, phương pháp kỷ luật tích cực tập trung vào việc phát triển mối quan hệ lành mạnh với con và đặt ra kỳ vọng về hành vi tích cực”, giáo sư cho biết.

Lên kế hoạch 1-1
Để duy trì mối quan hệ gần gũi với con cái, việc gặp gỡ trực tiếp rất quan trọng. Theo GS Cluver, cha mẹ có thể dành 20 phút mỗi ngày, thậm chí 5 phút cho con. Việc trao đổi có thể kết hợp với nhiều hành động khác như rửa bát, ca hát.
“Điều quan trọng là bạn phải tập trung vào con mình. Theo đó, bạn nên tắt TV, dừng cầm điện thoại để dành thời gian chất lượng bên con”, giáo sư khẳng định.
Khen ngợi khi con làm điều tích cực
Nhiều bậc phụ huynh có thói quen tập trung vào những hành vi xấu để chỉ trích con cái. Dưới góc nhìn của những đứa trẻ, việc phạm lỗi là cách hữu hiệu để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Do đó, trẻ có thêm “động lực” để duy trì hành vi xấu thay vì chấm dứt chúng.
Theo các chuyên gia, trẻ em phát triển nhờ được khen ngợi, khích lệ. Lời khen giúp con cảm thấy được yêu thương và trở nên đặc biệt trong mắt người khác. GS Cluver khuyến nghị: “Cha mẹ hãy để ý khi trẻ làm điều tốt và khen ngợi, ngay cả khi nhóc tì chỉ chơi với anh, chị, em trong 5 phút. Điều này có thể khuyến khích hành vi tốt và giảm nhu cầu kỷ luật ở trẻ”.

Đặt kỳ vọng rõ ràng
GS Cluver cho biết việc chia sẻ với con những điều bạn muốn chúng làm sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc “thao thao bất tuyệt” về những điều trẻ không nên làm. Khi bạn yêu cầu một đứa trẻ không bày bừa hoặc cư xử ngoan ngoãn, con có thể không hiểu cụ thể phải làm gì. Thay vào đó, hướng dẫn rõ ràng như “nhặt tất cả đồ chơi bỏ vào hộp” là cách cha mẹ đưa ra kỳ vọng rõ ràng, giúp trẻ làm theo những gì được yêu cầu.
Cha mẹ cũng cần lưu ý, điều quan trọng là phải đặt ra kỳ vọng thực tế. Chẳng hạn, yêu cầu con giữ im lặng cả ngày tất nhiên không khả thi. Thay vào đó, nhắc nhở trẻ giữ im lặng trong 10 phút, khi cha mẹ đang gọi điện thoại, sẽ thực tế hơn.
Đánh lạc hướng theo cách sáng tạo
GS Cluver phân tích khi con gặp khó khăn với việc kiểm soát hành vi, việc đánh lạc hướng chúng bằng hoạt động tích cực là chiến lược hữu ích.
“Khi đánh lạc hướng con sang việc khác - bằng cách thay đổi chủ đề trò chuyện, giới thiệu một trò chơi, đi dạo, bạn có thể chuyển hướng năng lượng của trẻ sang hành vi tích cực”, vị chuyên gia nói.
Sử dụng giải pháp “hậu quả bình tĩnh”
Một phần của quá trình trưởng thành là chấp nhận kết quả, thậm chí hậu quả, sẽ xảy ra của một quyết định/hành động. Việc dạy con điều này giúp trẻ hướng đến hành vi tốt, đồng thời có ý thức về trách nhiệm. Đặc biệt, cha mẹ có thể cho con cơ hội làm điều đúng đắn bằng cách giải thích rõ ràng hậu quả của hành vi xấu.
Ví dụ, nếu muốn con ngừng viết nguệch ngoạc lên tường, bạn có thể bảo con dừng lại nếu không giờ chơi sẽ kết thúc. Yêu cầu này bao gồm một lời cảnh báo và một cơ hội để con thay đổi hành vi.

Lời khuyên giúp cha mẹ vượt qua khoảng thời gian căng thẳng
Tạm dừng: Là chiến thuật đơn giản nhưng hữu ích, theo GS Cluver. Hãy hít thở sâu 5 hơi, bạn sẽ nhận thấy mình có thể phản ứng một cách bình tĩnh hơn.
Lùi lại để chăm sóc bản thân: GS Cluver cho biết nhiều cha mẹ “quên” chăm sóc cảm xúc của bản thân. Do đó, hãy dành chút thời gian “nuông chiều” cảm xúc và sở thích cá nhân. Khi cảm thấy thư giãn và thoải mái, cha mẹ có thể bình tĩnh đối mặt mọi chuyện.
Khen ngợi bản thân: Giáo sư Cluver gợi ý mỗi ngày, cha mẹ nên dành thời gian để tự hỏi: “Hôm nay, tôi đã làm được điều gì tốt khi cư xử với các con?”. Chỉ cần biết bạn đã làm được điều gì đó tuyệt vời, đó đã là hành động đáng khích lệ.
Theo UNICEF