
Khi bé bước sang tháng thứ 5-6, hẳn nhiều cha mẹ bối rối lựa chọn thời điểm ăn dặm phù hợp. Theo The Bump, phụ huynh cần tránh 5 hiểu lầm dưới đây để hành trình ăn dặm của bé trở nên thuận lợi hơn.
Tú Hảo

6 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng cho bé ăn dặm, nhưng mốc thời gian này không cố định với mọi bé. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), cha mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn dặm khi được 4-6 tháng tuổi. Một số dấu hiệu có thể nhận biết con đã sẵn sàng ăn bổ sung là: Trẻ thích nhìn người khác ăn và với tay lấy thức ăn, trẻ hay đưa thứ gì đó vào miệng, trẻ có thể điều chỉnh lưỡi tốt hơn để đưa thức ăn di chuyển trong miệng…

Một số mẹ thường chọn món có vị ngọt để tập cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến bé quen và mong chờ hương vị này mỗi bữa ăn. Chuyên gia khuyên bạn nên bắt đầu với rau. Hầu hết cha mẹ đều sợ con không thích các loại thực phẩm khác nhau nhưng nếu cứ sợ vậy, chúng ta đang vô tình tạo ra những đứa trẻ kén ăn từ nhỏ. Bạn nên khéo léo giới thiệu hương vị mới bằng cách thêm một chút tỏi hoặc một nhúm húng quế vào món chính. Ngoài ra, trẻ mới ăn dặm không cần nêm thêm muối, đường vào đồ ăn.

Đậu phộng (lạc) là nguyên nhân hàng đầu gây phản ứng dị ứng liên quan đến thực phẩm ở trẻ em tại Mỹ. Vì vậy, nhiều cha mẹ cố gắng bảo vệ bé bằng cách tránh tất cả các loại hạt. Tuy nhiên, làm như vậy có thể khiến con dị ứng hạt nghiêm trọng hơn. Nếu thành viên trong gia đình bạn có tiền sử dị ứng hạt, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi cho bé ăn. Nếu không, mẹ có thể trộn một ít bơ đậu phộng hoặc bơ hạnh nhân vào sinh tố hoặc cho bé nếm thử ngũ cốc có chứa một ít hạt để tập làm quen hương vị này.

Nhiều mẹ nghĩ rằng cho con ăn nhiều thịt, cá, trứng... sẽ giúp con mau lớn, tăng cân nhanh. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu tập ăn dặm, thực phẩm có nguồn gốc thực vật là lựa chọn tốt nhất, vì thịt là chất dinh dưỡng đa lượng khá khó tiêu hóa. Hành trình ăn dặm nên bắt đầu bằng thực phẩm giàu lợi khuẩn và chất xơ từ thực vật, sau đó bắt đầu thêm chất béo (dầu, bơ…), bổ sung sữa chua nguyên chất, cuối cùng là bổ sung thêm đạm. Bạn hãy hoãn lại việc cho bé ăn thịt đến khi con được khoảng 8 tháng tuổi.

Một điều quan trọng khi ăn dặm là trẻ học cách lắng nghe cơ thể và biết khi nào mình no. Khi một đứa trẻ ngoảnh mặt đi, mím môi hoặc ngậm miệng lại, bé đang cố nói rằng mình đã no. Khi còn nhỏ, bé tiếp nhận dinh dưỡng chủ yếu từ sữa mẹ hoặc sữa công thức, ăn dặm chỉ là hành trình học kỹ năng. Vì vậy, cha mẹ đừng quá lo lắng nếu trẻ từ chối ăn hết thức ăn. Điều bạn nên quan tâm không phải số lượng mà là sự đa dạng trong thực đơn của bé.
Theo The Bump