
“Bé 13 tháng tuổi nên uống bao nhiêu sữa, ăn món gì, có thể cầm muỗng chưa?” là câu hỏi mà nhiều cha mẹ thắc mắc. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp phần nào.
Ngọc Anh
Việc ăn uống thay đổi ra sao khi con “có tuổi”?
Bé yêu của bạn đã tròn 1 tuổi và chính thức bước vào giai đoạn chập chững tập đi. Đồng thời, con độc lập và hiếu động hơn, không còn hứng thú với việc ngồi yên một chỗ để ăn uống như trước, dễ xao nhãng bởi những thứ xung quanh. Do đó, việc dọn dẹp đồ chơi và tắt TV trong bữa ăn sẽ giúp bé tập trung hơn.
Giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng của bé đã qua (hầu hết trẻ sơ sinh tăng gấp 3 lần cân nặng lúc mới sinh trong một năm đầu đời). Từ bây giờ, tốc độ tăng trưởng của bé sẽ chậm lại và khẩu vị có thể thay đổi. Kết hợp với việc ngày càng hiếu động, con có thể trở nên kén ăn và khó tuân thủ giờ ăn hơn.
Thấu hiểu điều này, cha mẹ không nên quá lo lắng nếu bé yêu thích một món ăn trong tuần này, nhưng chê ỏng eo vào tuần sau, hoặc ăn nhiều vào bữa trưa nhưng chẳng đụng gì vào bữa tối. Đây là điều bình thường ở trẻ 13-18 tháng và con sẽ tự vượt qua giai đoạn biếng ăn này.
Khi bé từ chối một bữa ăn, bản năng của cha mẹ là muốn thay thế bằng món khác mà bé thích. Tuy nhiên, điều này khiến bé càng thêm biếng ăn và chỉ đòi món tủ. Thay vì cố gắng thuyết phục hay chiều theo ý bé, cha mẹ nên dọn hết thức ăn đi và đợi đến bữa sau hoặc giờ ăn nhẹ để đưa cho con đồ ăn khác. Bé sẽ ăn khi đói và sẽ ăn đủ lượng cần thiết.
Cha mẹ cũng cần biết dạ dày của bé còn rất nhỏ, không thể ăn nhiều một lúc. Do đó, không nên ép bé ăn hết mọi thứ mà cần chia nhỏ khẩu phần, cho con ăn thêm khi còn đói. Ngoài ra, những bữa ăn nhẹ bổ dưỡng giữa các bữa chính sẽ giúp con có thêm năng lượng vận động. Một chế độ ăn lý tưởng giai đoạn này là 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ mỗi ngày.

Bé 1 tuổi có thể tự xúc ăn chưa?
Ở tuổi này, bé đã đủ khéo léo để cầm nắm và ăn bằng tay, thậm chí có thể nhai khá tốt. Con cũng rất thích sử dụng thìa, dù chưa thành thạo việc xúc đồ ăn vào miệng. Hầu hết trẻ bắt đầu dùng thìa thành thạo từ 13-15 tháng tuổi. Để tạo phản xạ tốt, cha mẹ có thể khuyến khích bé tự cầm thìa trong khi được đút ăn.
Hơn thế, nếu được giúp đỡ, con có thể tự cầm cốc để uống nước. Nếu dùng cốc có nắp, cha mẹ có thể chọn loại không có van chống tràn để tốt cho răng con. Khi bé quen dần, bạn có thể chuyển sang cốc không nắp.
Cũng cần lưu ý khi bé quá đói hoặc mệt, việc tự ăn sẽ khó khăn hơn. Trường hợp này, bạn vẫn nên đút cho bé ăn nhé.

Có thể cho con ăn gì?
Từ thời điểm này trở đi, bé có thể ăn hầu hết các món trong bữa cơm gia đình, cha mẹ chỉ cần lưu ý không nêm muối khi nấu nướng. Thực tế, đồ ăn chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, không tốt cho bé. Do đó, cha mẹ không nên cho con ăn thường xuyên nhóm thực phẩm này.
Bé trên 1 tuổi đã có thể ăn mật ong và nhiều loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên tránh cho con ăn đồ dễ gây nghẹn như các loại hạt, thạch, nho nguyên quả. Đồng thời, cần hạn chế tối đa đồ ngọt vì chúng không chỉ gây hại cho răng mà có thể khiến bé “ghiền” ngọt. Mẹo nhỏ mà cha mẹ có thể áp dụng là cho trẻ ăn đồ ngọt kèm bữa chính hoặc bữa phụ với đồ mặn. Điều này giúp bé hiểu đồ ngọt chỉ là một phần nhỏ trong chế độ ăn lành mạnh.
Sữa chua và phô mai nguyên kem là thực phẩm cần thiết cho bé, cung cấp nhiều năng lượng và vitamin hơn các loại ít béo hoặc tách béo. Lưu ý nhỏ là cha mẹ nên hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa như khoai tây chiên và bánh ngọt, chỉ nên cho bé ăn vào những dịp đặc biệt.
Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để bé làm quen với các loại thực phẩm tươi chưa qua chế biến. Phụ huynh có thể khuyến khích bé thử nhiều hương vị, biến bữa ăn thành hành trình khám phá vị giác vui vẻ.

Có thể cho con uống gì?
Nếu vẫn đang cho con bú, bạn nên tiếp tục duy trì vì sữa mẹ cung cấp sự bảo vệ tuyệt vời, giúp bé yêu chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Nếu bé đã chuyển sang sữa công thức, bạn có thể bắt đầu thay thế bằng sữa bò nguyên kem hoặc sữa bò tươi nguyên chất. Bởi sữa ít béo hay tách béo không cung cấp đủ calo và dưỡng chất cần thiết cho bé ở độ tuổi này. Sữa mẹ hoặc sữa bò nguyên chất là lựa chọn đủ dinh dưỡng, tiết kiệm. Các dòng sữa công thức dành cho trẻ mới biết đi (còn gọi là sữa tăng trưởng) không cần thiết trong giai đoạn này.
Mỗi ngày, bạn cần cho bé uống ít nhất 350 ml sữa hoặc 2 phần sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua. Tuy nhiên, không nên cho bé uống quá 500 ml sữa mỗi ngày vì có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt trong thức ăn và khiến con no, dẫn đến biếng ăn.
Nếu muốn cho bé uống nước ép trái cây, bạn nên pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:10 và chỉ cho uống trong bữa ăn. Tránh các loại thức uống vị trái cây hoặc nước ép pha sẵn vì thường chứa nhiều đường và không tốt bằng nước ép nguyên chất. Hơn nữa, phụ huynh nên giúp con tránh xa nước ngọt có ga vì thức uống này có tính axit cao, gây hại cho răng.
Cuối cùng, cha mẹ nên tập cho bé uống bằng cốc không nắp thay vì bình sữa hay bình có van chống tràn. Điều này giúp bé học cách nhấm nháp thay vì mút, tốt hơn cho sự phát triển răng miệng.
Theo BabyCenter