
Ăn dặm là bước đầu tiên con chạm vào thế giới muôn màu của ẩm thực, cũng là lúc mẹ bắt đầu va chạm với vô vàn áp lực “phải đủ chất, phải ăn ngoan”. Nhưng liệu một bữa ăn đủ dinh dưỡng có nhất thiết phải cầu kỳ? Và liệu một bữa ăn chưa trọn vẹn có thật sự là điều đáng lo?
Bài viết này là lời nhắn nhủ dịu dàng gửi tới mẹ - rằng chỉ cần mẹ hiểu đúng, mẹ sẽ đủ sức cùng con ăn những bữa thật vui và thật lành.
Bé bắt đầu bước sang giai đoạn ăn dặm - cột mốc đầu tiên trên hành trình trưởng thành của con và cũng là bước chuyển đầy bỡ ngỡ của mẹ.
Làm sao để mỗi bữa của con đều đảm bảo dinh dưỡng khi mẹ chẳng có nhiều thời gian?
Nhiều mẹ thường lo rằng “ăn dặm đủ chất” là điều gì đó thật cầu kỳ, phức tạp - nhưng thật ra, nếu mẹ nắm chắc được những nguyên tắc cơ bản dưới đây, mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều đấy.
A. Hiểu đúng về “cân bằng dinh dưỡng” khi cho bé ăn dặm
Một bữa ăn cân bằng không có nghĩa là cần nấu thật nhiều món. Điều quan trọng là mẹ nắm được 4 nhóm thực phẩm chính cần có trong bữa ăn của con:
- Tinh bột (gạo, khoai, mì, yến mạch…)
- Chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu hũ…)
- Chất béo (dầu, bơ, mỡ cá…)
- Vitamin - khoáng chất (rau củ quả, trái cây)
Mẹ đừng quá lo nếu một bữa con không ăn được đủ. Cân bằng dinh dưỡng là sự tổng hoà được tính theo cả ngày, hoặc thậm chí là 2-3 ngày liên tiếp.
Nghĩa là nếu bữa này con ăn thiếu nhóm đạm, mẹ hoàn toàn có thể linh hoạt bổ sung cho con vào bữa sau. Việc ăn dặm không cần quá cứng nhắc - chỉ cần mẹ hiểu đúng, lắng nghe con, tin tưởng con và linh hoạt điều chỉnh theo thời gian và nguồn lực của mình.
B. Những nguyên tắc giúp mẹ xây dựng thực đơn dinh dưỡng cân bằng
- Luân phiên nhóm thực phẩm đạm: Hạn chế lặp lại cùng một loại đạm quá 2 bữa/ngày. Việc thay đổi thịt/cá/trứng/đậu giúp cơ thể bé hấp thụ được đa dạng dưỡng chất, tránh quá tải hoặc dư thừa, đồng thời giúp con ăn ngon miệng và đỡ nhàm chán.

- Đa dạng theo tuần - “đủ món” hơn “đủ chất”: Một tuần ăn được nhiều món khác nhau còn quan trọng hơn ăn đủ tất cả nhóm chất trong từng bữa. Càng khám phá nhiều món, con càng phát triển vị giác, hình thành hứng thú ăn uống tự nhiên.
- Luôn thêm dầu ăn dành cho bé vào khẩu phần: Dầu ăn không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K. Có thể chọn dầu oliu, dầu gấc, dầu cá hồi hoặc dầu mè tùy món ăn.
- Cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật: Đạm động vật (thịt, cá, trứng) giàu axit amin thiết yếu và sắt heme dễ hấp thu. Trong khi đó, đạm thực vật (đậu, hạt, đậu hũ) lại bổ sung chất xơ, vitamin và tốt cho hệ tiêu hóa. Xen kẽ giúp bé hấp thu đa dạng dưỡng chất và hình thành khẩu phần ăn cân đối.
- Thêm rau củ đúng cách để giữ dưỡng chất và vị ngon:
- Không nấu rau quá lâu, tránh luộc kỹ làm mất vitamin.
- Nên xào, hấp, hoặc nấu canh rau trong thời gian ngắn với ít nước.
- Cắt rau củ ngay trước khi nấu, tránh ngâm lâu sau khi gọt.
- Ưu tiên chọn rau củ theo mùa để đảm bảo vị tươi ngon, ít tồn dư hóa chất.
Và cuối cùng - nương theo khẩu vị của con: Đừng lo nếu con không thích một món ăn nào đó. Bé cũng có “gu” như người lớn vậy, có món hợp vị, có món không. Mẹ hãy kiên nhẫn giới thiệu lại món đó sau vài ngày, đổi cách chế biến, hoặc chuyển sang món khác cùng nhóm. Quan trọng là tạo cho con trải nghiệm ăn uống tích cực, nhẹ nhàng và không áp lực.

Thời gian đầu tập ăn dặm cho Vừng, vì chưa quen khẩu vị và cách ăn của con nên cũng có những bữa con bỏ hẳn rau hoặc thịt. Những lúc ấy, mình thường thêm trái cây hoặc phô mai tách muối vào bữa phụ, đồng thời điều chỉnh thực đơn: kết hợp món con thích với một món mới để con vẫn đảm bảo đủ chất.
Chưa kể những lần con từ chối được bón, chỉ thích cầm bóp và thả đồ ăn mà chẳng được chút gì vào bụng khiến mình không khỏi lo lắng.
Nhưng rồi mọi thứ dần vào guồng. Khi mình chọn thả lỏng và tin tưởng con hơn, con dần cảm thấy thích thú việc ăn uống, hình thành thói quen ăn tập trung và kết thúc bữa ăn thật gọn gàng.
Chính quá trình đó khiến mình hiểu rằng: không có “chuẩn mực” nào nên được áp cho mọi đứa trẻ. Chỉ có một hành trình riêng mẹ - con cùng khám phá.
C. Dinh dưỡng đi đôi với thói quen ăn uống lành mạnh
Thật khó khi vừa mong con ăn đủ, lại vừa muốn giữ được niềm vui trên khuôn mặt nhỏ bé ấy sau mỗi bữa ăn - phải không mẹ? Nhưng mẹ ơi, một bữa ăn hiệu quả không chỉ là con ăn được bao nhiêu, mà là:
- Con đã tiến bộ thế nào so với hôm qua,
- Con cảm thấy thế nào khi kết thúc bữa ăn,
- Và mẹ hiểu thêm được điều gì về khẩu vị, thói quen hay cảm xúc của con.

Dinh dưỡng đi đôi với thói quen ăn uống lành mạnh. Hãy cố gắng thêm một chút mẹ nhé:
- Không ép ăn – kể cả khi mẹ biết món đó rất bổ dưỡng: Có thể hôm nay con chưa quen, không thích cách chế biến, hoặc đơn giản là chưa sẵn sàng. Việc ép ăn chỉ khiến con thêm e dè, mất cảm giác an toàn khi đến bữa.
- Ăn theo nhu cầu – không theo chỉ tiêu: Mỗi bé có sức ăn khác nhau. Con ăn ít không có nghĩa là con yếu, và ăn nhiều cũng không có nghĩa là chất lượng. Quan trọng là con ăn đúng nhu cầu, vui vẻ và được lắng nghe. Mẹ hoàn toàn có thể linh hoạt bù nhóm chất vào bữa khác nếu bữa này chưa đủ.
- Phân chia hợp lý giữa bữa chính và bữa phụ: Hãy đảm bảo con không ăn vặt quá gần bữa chính (nên cách 1–1,5 giờ) để tránh ảnh hưởng đến cảm giác đói và chất lượng bữa ăn. Bữa phụ nên nhẹ nhàng như trái cây, sữa chua, phô mai… để không “lấn” vào bữa chính mà vẫn giúp con duy trì năng lượng trong ngày.
Con biết mẹ đang rất mệt, nhưng con cũng sẽ rất vui nếu mẹ cùng ăn với con, thoải mái hơn một chút, và đừng quên khen con khi con ăn giỏi mẹ nhé.
Có lẽ, điều mình rút ra sau những ngày hoang mang và lo lắng ấy là: Khi mẹ đủ kiên nhẫn và tin tưởng con, con sẽ tự bước đi theo cách của riêng mình. Dù hành trình ăn dặm có thể chưa hoàn hảo, thì từng bước nhỏ mỗi ngày của con – cùng sự kiên trì đồng hành của mẹ - mới là điều làm nên một đứa trẻ khoẻ mạnh và hạnh phúc.
Mong mẹ có thể buông bớt áp lực, và nhẹ nhàng hơn với chính mình. Bữa ăn của con có thể chưa trọn vẹn về lượng hay chất, nhưng tình yêu và sự đồng hành của mẹ – từng muỗng mẹ bón, từng ánh mắt mẹ nhìn - chính là nguồn dưỡng chất quý giá nhất giúp trái tim con lớn lên khỏe mạnh mỗi ngày đấy.
![]() Yêu viết lách, yêu sách và tin rằng những điều bình thường giản dị nhất lại có thể chạm tới tim người khác sâu sắc nhất. Hiện đang cộng tác nội dung cùng Đi Cùng Con và xây dựng blog cá nhân tại: Nhem's Little Box Gửi tới bạn mọi điều tốt lành nhất. |
Bình luận