

Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta phải hiểu được lý do bà bầu thường bị nghén.
Nguyên nhân nghén
Nghén khi mang thai thường bắt đầu trước tuần thai thứ 9 và kết thúc trước tuần thai thứ 14. Tuy nhiên, một số trường hợp kéo dài vài tuần hoặc vài tháng và có thể suốt thai kỳ.
Nguyên nhân đầu bảng của nghén là do tăng nội tiết đột ngột. Trong quá trình mang thai, nội tiết, đặc biệt là nồng độ estrogen, các chất hoóc môn thai nghén như hCG tăng cao rất nhiều. Đây chính là nguyên nhân gây ra nghén rất khó chịu ở các chị em phụ nữ. Khi khám cho bệnh nhân, tôi thường động viên, đôi khi đùa rằng: “Thôi được nghén là mừng đấy, bởi vì còn nghén chứng tỏ thai nhi còn phát triển tốt”.
Thực tế, tình trạng buồn nôn và nôn thường không gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Ngược lại, nghén cho thấy thai đang phát triển tốt, bánh nhau tăng tiết một số nội tiết tố như BhCG, estrogen vào máu mẹ và làm mẹ bị nghén.

Tuy nhiên, nếu mẹ không thể ăn hoặc uống nước và bị sụt cân có thể làm bé bị nhẹ cân lúc sinh. Một số trường hợp mẹ đang nghén bỗng đột ngột hết nghén thì mẹ nên đi khám lại để kiểm tra tình trạng thai.
Nếu bà bầu nghén rất nặng, điều quan trọng nhất là các mẹ phải đi khám bác sĩ để loại trừ hết các nguyên nhân gây nghén nặng. Trong đó bao gồm các bệnh như cường giáp. Bởi hoóc môn tuyến giáp hoạt động quá mức cũng gây nghén rất nhiều. Một số mẹ có thể gặp bệnh lý viêm gan cũng gây ra triệu chứng mệt mỏi, khó chịu, nghén. Đôi khi, đây là bệnh lý viêm gan chứ không phải nghén.
Ngoài ra, nhiều mẹ còn bị nhầm lẫn giữa nghén và đau dạ dày. Những người có tiền sử đau dạ dày, khi mang thai, các triệu chứng của bệnh có thể nặng hơn rất nhiều do nôn ọe, nghén gây ra. Do đó, nhiều bà bầu cho rằng mình bị nghén tới 18-20 tuần nhưng khi bác sĩ hỏi, đó chỉ là triệu chứng của bệnh đau dạ dày. Và khi đó, các bác sĩ phải yêu cầu dùng thuốc điều trị đau dạ dày. Rất nhiều mẹ sợ rằng đang mang thai, không dám uống. Càng sợ, càng lo lắng thì càng tăng nguy cơ đau dạ dày.

Lưu ý khi dùng thuốc chống nghén
Trước khi dùng thuốc chống nghén, các mẹ phải khám cẩn thận để loại trừ những bệnh lí khác như viêm gan, cường giáp, đau dạ dày,… có thể gây nên triệu chứng nặng hơn tình trạng này của các mẹ bầu.
Sau khi các nguyên nhân bệnh lý khác đã được bác sĩ loại trừ và việc thay đổi chế độ ăn uống không hiệu quả hoặc mẹ bị nghén nặng, mẹ có thể dùng:
- Vitamin B6 là thuốc an toàn, không cần kê đơn.
- Doxylamine - một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn, phối hợp với vitamin B6 nếu chỉ dùng vitamin B6 không cải thiện.
Cả hai loại thuốc đều được chứng minh là an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai và không gây hại cho thai nhi.
Nếu B6 và doxylamine không làm giảm triệu chứng, thuốc “chống nôn”, có thể được kê đơn nếu không đáp ứng các loại thuốc trên. Bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng.
Thuốc chống nôn có an toàn khi mang thai không?
Nhiều loại thuốc chống nôn đã được chứng minh là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Nhưng những người khác có thông tin an toàn xung đột hoặc hạn chế.
Ví dụ, Ondansetron có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa buồn nôn và nôn, nhưng các nghiên cứu vẫn chưa rõ ràng về độ an toàn của nó đối với thai nhi. Ondansetron cũng có liên quan đến các vấn đề về nhịp tim ở những người dùng thuốc, đặc biệt ở những người mắc một số bệnh lý tiềm ẩn.
Bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc cho mẹ dựa trên lợi ích của thuốc có cao hơn nguy cơ tiềm ẩn hay không, mẹ sẽ được thông báo tất cả các yếu tố này để xác định phương pháp điều trị tốt nhất.
![]() Bài viết được tư vấn bởi TS. BS Phan Chí Thành Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương Phòng khám 4Women Clinic - 69 ngõ 325 Kim Ngưu, Hà Nội | Hotline: 094 866 56 65 |