
Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây tiêu chảy và các vấn đề về tiêu hóa khác. Tình trạng này có gây nguy hiểm? Bài viết trên Medical News Today - một trong những trang thông tin y tế uy tin của Hoa Kỳ - sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc xoay quanh vấn đề này.
Chi Anh
Tiêu chảy là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhất. Tình trạng bệnh được nhận biết khi đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong một ngày (ít nhất 3 lần). Tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng. Trong thai kỳ, điều này có thể gây hại cho cả mẹ và bé. Vì vậy, phụ nữ mang thai bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
Tiêu chảy trong thai kỳ có phải là triệu chứng bình thường?
Tiêu chảy có thể gặp ở bất kỳ ai, kể cả phụ nữ mang thai. Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG), không có nghiên cứu cập nhật nào về tỷ lệ mắc tiêu chảy ở phụ nữ mang thai. Khi bạn mang bầu, tình trạng tiêu chảy có thể đến từ nguyên nhân thay đổi hormone hoặc thể chất. Tuy nhiên, tình trạng này có thể không liên quan đến thai kỳ mà do nhiễm trùng hoặc rối loạn đường ruột.
Nguyên nhân gây tiêu chảy
- Thay đổi nội tiết tố: Sự gia tăng prostaglandin trong thai kỳ có thể khiến nhu động đường ruột tăng lên, dẫn đến tiêu chảy.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy. Ngoài phân lỏng, người bị tiêu chảy do nhiễm trùng có thể gặp các triệu chứng như phân có máu hoặc mủ, buồn nôn và nôn, sốt, rét, chóng mặt. Vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây tiêu chảy thường lây qua đường ăn uống không vệ sinh.
- Các bệnh về đường ruột: Tiêu chảy cũng có thể là triệu chứng của các bệnh đường ruột như bệnh viêm ruột gồm bệnh Crohn (viêm ruột mạn tính từng vùng), viêm loét đại tràng; hội chứng ruột kích thích; bệnh Celiac (không dung nạp gluten); bội nhiễm vi khuẩn đường ruột.
- Một số nguyên nhân khác: Không dung nạp hoặc dị ứng thực phẩm, thay đổi chế độ ăn uống, căng thẳng, do uống thuốc, ăn thực phẩm chứa đường rượu như sorbitol, xylitol hoặc mannitol.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng nghiêm trọng, gây hại cho cả mẹ và bé. Do đó, phụ nữ mang thai nên đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Phân có máu hoặc mủ
- Đi ngoài phân lỏng 6 lần trở lên trong 24 giờ
- Sốt 39 độ C trở lên
- Nôn nhiều
- Đau dữ dội vùng hậu môn hoặc bụng
- Các dấu hiệu mất nước gồm tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, khát nước, khô miệng, chóng mặt

Điều trị tại nhà
Để tránh mất nước, bạn nên uống nhiều nước. Ngoài ra, bạn có thể uống các dung dịch có chứa điện giải như nước hầm và súp loãng, đồ uống thể thao, nước ép trái cây, nước ngọt không chứa caffeine. Nếu bị mất nước nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng dung dịch bù nước đường uống.
Nhiều bác sĩ cũng khuyên nên ăn nhạt để giúp phục hồi điện giải bị mất do tiêu chảy. Bạn cũng nên tránh ăn các thực phẩm khiến tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng bao gồm sữa và các chế phẩm từ sữa, thực phẩm nhiều chất béo hoặc đường, đồ uống có chứa caffeine.
Thuốc
Trong thai kỳ, điều quan trọng bạn cần nhớ là trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Một số thuốc có thể gây hại cho thai nhi, trong khi một số khác chưa có nghiên cứu rõ ràng về độ an toàn. Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG), một nghiên cứu có kiểm soát chỉ rõ không tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng loperamide (Imodium) trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở thai nhi. Imodium là thuốc không kê đơn, hiệu quả để điều trị tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, ACG không khuyến nghị dùng các thuốc chống tiêu chảy diphenoxylate-atropine (Lomotil) hoặc bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol) durante trong suốt thai kỳ. Nghiên cứu cho thấy Lomotil có thể gây hại cho thai nhi trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Pepto-Bismol có thể làm tăng nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân, xuất huyết ở trẻ sơ sinh.
Theo Medical News Today