

Việc tìm hiểu kỹ thông tin sẽ giúp cha mẹ nhận biết các dấu hiệu và hướng xử lý phù hợp khi trẻ bị hóc nghẹn.
Trẻ dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất hóc nghẹn do dị vật. Điều này xuất phát từ xu hướng tự nhiên là khám phá thế giới bằng cách đưa mọi thứ vào miệng.
Bé chưa có răng hàm, do đó không thể nhai và nghiền nát hoàn toàn thức ăn cứng, đồng thời việc nhai và nuốt cũng chưa thuần thục. Các bé lớn hơn một chút lại thường chạy nhảy, cười đùa khi miệng ngậm thức ăn, làm tăng nguy cơ nghẹn.

Dấu hiệu ban đầu của hóc nghẹn là đột nhiên lên cơn ho sặc sụa, mặt đỏ hoặc tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, dẫn đến ngừng thở và hôn mê.
Một sai lầm thường gặp của các bậc cha mẹ khi trẻ hóc nghẹn là bế con thẳng lên theo bản năng. Điều này có thể làm thức ăn, sữa hoặc dị vật sặc sâu vào khí quản, gây viêm phổi hoặc ngạt thở.
Cách sơ cứu cho trẻ bị hóc nghẹn
Đối với trẻ sơ sinh: Đặt trẻ nằm sấp dọc cánh tay của người sơ cứu, để đầu trẻ thấp hơn ngực. Dùng một tay đỡ đầu và vai của trẻ, tay kia vỗ mạnh vào lưng giữa hai bả vai trẻ cho đến khi dị vật được bắn ra ngoài.

Đối với trẻ nhỏ: Người sơ cứu cần ngồi hoặc quỳ xuống, đặt trẻ nằm sấp trên đùi để đầu trẻ thấp hơn vai. Dùng tay vỗ nhiều lần vào lưng giữa hai vai của trẻ cho đến khi dị vật được bắn ra ngoài. Nếu không có kết quả và trẻ trở nên bất tỉnh, cần thực hiện hô hấp nhân tạo.

Đối với trẻ lớn: Bảo trẻ cúi người ra phía trước để đầu thấp hơn ngực; dùng tay móc trong miệng trẻ, tạo phản xạ để trẻ nôn dị vật ra. Khuyến khích trẻ ho để dị vật được bắn ra ngoài.

Nếu trẻ bị sặc thức ăn lên mũi, cần cho trẻ nằm nghiêng một bên, làm sạch đường hô hấp trên bằng cách hút sạch mũi và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Không cố gắng lấy dị vật nếu nó mắc lại sâu trong cuốn mũi.
Phòng ngừa hóc nghẹn
Cha mẹ lưu ý không để các vật dụng nhỏ như cúc áo và các loại pin trong tầm tay bé. Khóa những ngăn tủ chứa vật dụng nhỏ mà trẻ có thể với tới. Để đồ chơi nhỏ, ví như đồ chơi xếp hình Lego, giày dép của Barbie, xa tầm tay của bé. Đặc biệt, không cho bé chơi những đồ chơi có thể tháo rời, cần chơi đồ đúng theo khuyến cáo tuổi của nhà sản xuất.
Để phòng ngừa sặc thức ăn hay sữa, cha mẹ nên cho bé ngồi một chỗ khi ăn. Không cho bé ăn khi đang chạy nhảy, cười đùa. Nhắc bé ăn từ từ và nhai kỹ và không bao giờ nên ép bé ăn vì có thể bị nghẹn.
Cha mẹ nên tìm hiểu rõ cách sơ cứu khi con bị hóc nghẹn.
Với trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc bú bình, nên cho bú đúng khớp ngậm, đúng tư thế, dùng size bình và núm ti phù hợp với tháng tuổi của bé.
Trong trường hợp bé bị nghẹn thức ăn, không nên cố gắng cho trẻ uống nước để thức ăn xuống dạ dày, vì điều này có thể làm trẻ sặc hoặc nghẹn thêm do thức ăn tụt kẹt vào đường hô hấp.