
Làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) đòi hỏi các cặp vợ chồng phải chuẩn bị sức khoẻ và tài chính vững vàng.
Mẹ Cami
Phương pháp thụ tinh ống nghiệm
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, giúp nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có cơ hội thực hiện ước mơ làm cha mẹ. Khi tìm hiểu, mình thấy hầu hết các trường hợp làm IVF đều do chồng hoặc vợ có vấn đề về sinh sản như phụ nữ bị tắc buồng trứng, buồng trứng đa nang, chồng bị tinh trùng yếu… Tuy nhiên, trong quá trình đi khám và làm IVF, mình cung thấy có nhiều cặp vợ chồng không gặp vấn đề gì về sức khoẻ nhưng “thả” mãi chưa có con cũng đăng ký làm IVF.
Vợ chồng mình cũng lựa chọn làm IVF để tìm con yêu. Dưới đây là những kinh nghiệm cá nhân của mình về chi phí thực hiện IVF.
Chi phí làm IVF như thế nào?
Làm IVF là một quá trình dài, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị sức khoẻ tốt và tài chính ổn định bởi rất nhiều chi phí. Tuỳ từng giai đoạn cụ thể sẽ phải chi trả số tiền khác nhau.
Giai đoạn làm hồ sơ
Đầu tiên, 2 vợ chồng bạn sẽ phải thực hiện khám sức khoẻ sinh sản tổng quát. Người vợ vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh sẽ phải lấy máu xét nghiệm nội tiết sinh sản, siêu âm đánh giá tử cung, buồng trứng. Sau khi sạch kinh 3-4 ngày, người vợ tiếp tục thực hiện chụp Xquang tử cung buồng trứng. Người chồng sẽ thực hiện kiểm tra tinh dịch đồ, khám nam khoa… Chi phí giai đoạn này của 2 vợ chồng sẽ khoảng 8-10 triệu đồng.
Khi có đầy đủ các xét nghiệm, 2 vợ chồng sẽ được tiến hành lập hồ sơ và hẹn ngày kích trứng.
Giai đoạn kích trứng
Vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh tiếp theo sau khi làm đủ xét nghiệm, người vợ sẽ được tiến hành siêu âm đầu dò để đánh giá số lượng trứng, sau đó bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc kích trứng. Quá trình này sẽ diễn ra khoảng 7-15 ngày, tuỳ vào cơ địa từng người. Chi phí chủ yếu là tiền thuốc, dao động từ 15-30 triệu đồng. Nếu thời gian tiêm càng kéo dài, bạn sẽ càng tốn kém chi phí. Bên cạnh thuốc kích trứng, bạn sẽ phải dùng thêm một số loại thuốc khác như thuốc chống rụng, thuốc chống đông… Các loại thuốc này giá khá cao (Như thuốc kích trứng mình từng tiêm là 2.500.000 đồng/hộp, tiêm 2 ngày).

Giai đoạn chọc trứng
Khi trứng phát triển đạt đến kích cỡ yêu cầu, bạn sẽ được bác sĩ hẹn ngày chọc trứng. Trước khi chọc, chi phí cần nộp khoảng 30 triệu đồng. Vào ngày chọc trứng, chồng sẽ được hẹn lấy tinh trùng để lọc rửa và tạo phôi. Theo mình thấy, đây là giai đoạn khó khăn, đau đớn nhất với các mẹ.
Giai đoạn canh niêm mạc để chuyển phôi
Sau khi đã có phôi, tuỳ theo điều kiện sức khoẻ mà bạn sẽ quyết định canh niêm mạc để chuyển phôi. Tiếp tục vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh, bạn sẽ đến khám, siêu âm đầu dò và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc. Thuốc sẽ được kê sử dụng hàng ngày. Khi niêm mạc đạt đến tỷ lệ phù hợp, thuận lợi (niêm mạc 3 lá)thì bác sẽ được hẹn để chuyển phôi. Chi phí giai đoạn canh niêm mạc rơi vào khoảng 3-5 triệu đồng.
Giai đoạn chuyển phôi
Vào ngày chuyển phôi, bạn sẽ phải nộp chi phí chuyển khoảng 5 triệu đồng. Quá trình chuyển phôi khá nhẹ nhàng, chỉ khoảng 5 phút (mình thấy giống như khám phụ khoa). Sau đó, bác sĩ sẽ kê thuốc hỗ trợ, số thuốc này sẽ dùng kéo dài đến khi bạn mang thai.
Tuy nhiên, bạn sẽ phải nộp chi phí trữ phôi. Số lượng phôi càng nhiều thì số tiền sẽ càng lớn. Phôi sẽ được chia thành từng top, mỗi top có giá trữ khoảng 2-4 triệu/năm, tuỳ từng bệnh viện.

Nếu may mắn đậu thai, bạn sẽ cần dùng thuốc kéo dài đến 12 tuần, chi phí thuốc sẽ dao động từ 2-3 triệu/tháng.
Như vậy, có thể thấy, nếu xác định làm IVF, vợ chồng bạn sẽ cần chuyển bị khoảng 80-200 triệu đồng, chưa kể những chi phí phát sinh như chi phí đi lại, thuốc… Hiện nay, một số bệnh viện có nhiều chính sách ưu đãi, cho các cặp vợ chồng trả góp, lãi suất 0%, giúp giảm bớt chi phí. Cá nhân mình đã từng trải qua quá trình này, thực sự rất tốn kém, đòi hỏi các cặp vợ chồng phải kiên trì và cố gắng.
Hi vọng những thông tin sẽ giúp các bố mẹ có sự chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng cho hành trình đón con yêu về nhà.