
Vào những tuần cuối của thai kỳ, em bé sẽ phát triển hoàn thiện về mọi mặt. Bởi vậy, mẹ không cần quá nôn nóng việc gặp gỡ “thiên thần nhỏ” của mình mà hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Diệu Tú
Có thể bạn chưa biết, việc được sinh ra hay không đôi khi do chính trẻ quyết định. Những tuần cuối của thai kỳ là thời điểm quan trọng để em bé phát triển thêm rất nhiều và hoàn thiện mọi mặt. 5 điều tuyệt vời dưới đây có thể sẽ giúp bạn thêm kiên nhẫn chờ đợi em bé của mình chào đời.
Phát triển não bộ
Trong khoảng tuần thứ 35 đến 39 của thai kỳ, não bộ trẻ phát triển lớn hơn gần gấp hai lần. Cũng vào những tuần cuối thai kỳ này, em bé hình thành các kết nối não bộ quan trọng liên quan đến việc học tập, chuyển động và phối hợp sau khi được sinh ra.
Phổi phát triển tốt hơn
Shade Chatrath, một nữ hộ sinh ở Toronto (Canada) cho hay: “Chúng ta thường nghĩ rằng phổi của em bé được phát triển hoàn thiện sau 37 tuần. Tuy nhiên, những nghiên cứu về sau đã cho thấy sự phát triển này vẫn tiếp tục được duy trì cho đến khi trẻ được sinh ra và kể cả sau đó”.
Giữa tuần 24 và 28 của thai kỳ, cơ thể của em bé tạo ra một chất được gọi là “chất hoạt động bề mặt”, giúp ngăn cản các túi khí trong phổi dính vào nhau khi trẻ bắt đầu hít vào một lượng không khí đầu tiên.
Một nghiên cứu của Đại Học Buffalo (Mỹ) chỉ ra 30.000 trẻ em được sinh ra ở tuần thứ 37 hoặc 38 có khả năng nhận gấp đôi lượng không khí và chất hoạt động bề mặt phải được truyền qua máy thở vào phổi, so với trẻ sinh ra sau 39 trở đi.

Hoàn thiện chức năng gan
Tương tự phổi và não, gan của trẻ sơ sinh phát triển đến tuần thứ 39 của thai kỳ. Một trong những chức năng chính của gan là lọc ra "bilirubin" (sắc tố từ hồng cầu) từ máu của em bé. Trẻ sơ sinh được sinh ra trước 38 tuần có thể không có khả năng xử lý bilirubin như trẻ sinh đủ tháng, khiến trẻ có nguy cơ bị vàng da cao hơn sau khi sinh.
Rụng lông và hình thành phân
Khi ở trong tử cung, cơ thể của em bé được bao bọc bởi một lớp lông tơ và vernix (một loại kem màu trắng hoặc sáp dính) giúp giữ ấm cơ thể và bảo vệ da khỏi nước ối. Nhiều trẻ sơ sinh dần rụng lông vào nước ối ngay trước khi sinh. Em bé đã nuốt chất lỏng bao gồm các chất thải đó vào bên trong đường ruột và tạo nên những chất thải đầu tiên bên trong cơ thể, hay còn gọi là phân.
Tăng cân
Ở tuần thứ 35, em bé của bạn có thể tăng khoảng hơn 0,2 kg mỗi tuần. Lớp chất béo trong cơ thể giúp trẻ giữ ấm sau khi được sinh ra, ngực của trẻ sẽ hình thành và nổi bật hơn trên cơ thể.

Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu năm 2015 của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế UT Southwestern ở Texas (Mỹ) được công bố trên Tạp chí điều tra lâm sàng, khi phổi của em bé phát triển, chúng giải phóng protein vào dịch ối. Các protein này kích hoạt phản ứng bên trong tử cung và gây ra hiện tượng chuyển dạ. Vì vậy, việc quyết định ra ngoài hoàn toàn có thể do trẻ quyết định. Do vậy, trong những tuần cuối thai kỳ, bạn không nên quá vội vàng mà hãy dựa vào những biến đổi của cơ thể mình. Việc phát triển đủ lâu thêm bên trong cơ thể mẹ có thể giúp trẻ phát triển hơn rất nhiều và sẽ được sinh ra khỏe mạnh.
Theo Parents, Baby