
Tuần thứ 36 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình mang thai khi bé yêu đã gần như sẵn sàng chào đời. Những lần khám thai định kỳ vẫn cần được chú ý để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
Thùy Liên
Xin chào các mom! Mình đã sinh em bé được 4 tháng. Dù là “tập đầu” nhưng mình đã kịp “dắt túi” kha khá kinh nghiệm từ khám thai, đến chế độ dinh dưỡng và bây giờ là chăm sóc em bé sơ sinh nữa. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân và những kiến thức đã tìm hiểu, mình xin chia sẻ một số điều quan trọng các mẹ bầu cần lưu ý trong giai đoạn này.
Tần suất khám thai
Khác những mốc khám thai trước có thể cách nhau vài tuần, từ tuần 36 trở đi, các mẹ sẽ cần đi khám thai mỗi tuần một lần. Lý do là lúc này em bé đã phát triển hoàn thiện và mẹ cần theo dõi chặt chẽ từng cử động, biến đổi của con cho đến ngày vượt cạn. Tần suất này có thể thay đổi tùy thuộc tình trạng sức khỏe của mẹ và bé cũng như những yếu tố nguy cơ khác. Ngoài ra, từ tuần này trở đi, cơ thể mẹ sẽ có một vài dấu hiệu như tiết dịch âm đạo, tiểu nhiều, như mình là bị mất ngủ và cơ thể phù nề rất nặng nhọc, mệt mỏi… Việc thăm khám đều đặn không chỉ đảm bảo quá trình chuyển dạ diễn ra như dự tính mà giúp mình an tâm hơn khi sức khỏe của hai mẹ con luôn được kiểm tra đều đặn.

Những xét nghiệm cần thiết
Từ tuần 36 trở đi, mẹ không còn phải làm nhiều xét nghiệm như trước. Thay vào đó, các buổi khám sẽ chủ yếu là siêu âm để kiểm tra sức khỏe của em bé và kiểm tra cổ tử cung để tiên lượng thời gian sinh. Cụ thể hơn, mẹ sẽ trải qua các bước khám như:
- Siêu âm: Siêu âm là một trong những xét nghiệm quan trọng nhất trong giai đoạn này. Bác sĩ sẽ sử dụng hình thức này để đánh giá sự phát triển của thai nhi, đo lượng nước ối, kiểm tra vị trí nhau thai, dây rốn và ngôi thai. Siêu âm cũng giúp phát hiện sớm các bất thường như nhau tiền đạo, dây rốn quấn cổ hoặc tình trạng thiếu ối.
- Nghe tim thai: Nghe tim thai giúp theo dõi nhịp tim và đánh giá tình trạng sức khỏe của bé.
- Kiểm tra cổ tử cung: Bác sĩ sẽ kiểm tra độ mở của cổ tử cung để đánh giá sự tiến triển của quá trình chuyển dạ.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện các vấn đề về nhiễm trùng đường tiết niệu, tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiểu đường thai kỳ.
- Xét nghiệm phát hiện, sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B.
- Theo dõi tim thai, cơn co tử cung bằng máy đo Monitor Sản khoa.
- Điện tâm đồ
Những dấu hiệu cần lưu ý
Vì là con đầu lòng nên mình rất sợ sẽ sinh sớm. Từ tuần 36 trở đi là mình lo nơm nớp. Từ tuần này, em bé có thể không còn tăng cân nữa, các cơ quan trong cơ thể cũng dần hoàn thiện và em bé sẵn sàng chào đời. Tuy vậy, mẹ vẫn cần quan sát thật kỹ lưỡng để kịp nhận ra những thay đổi bất thường nếu có:
- Cử động của thai nhi: Mẹ bầu nên theo dõi kỹ các cử động của thai nhi. Nếu cảm thấy thai nhi cử động ít hơn bình thường hoặc có những cử động bất thường, mẹ bầu cần báo ngay cho bác sĩ.
- Ra máu hoặc ra dịch: Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu ra máu hoặc ra dịch âm đạo nào, dù ít hay nhiều, mẹ bầu vẫn cần đến bệnh viện lập tức.
- Đau bụng: Đau bụng dưới âm ỉ hoặc co thắt có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sớm.
- Sưng phù: Sưng phù chân, tay hoặc mặt có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt: Những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.

Chuẩn bị cho việc sinh nở
- Học cách thở và rặn: Mình thấy việc tham gia những lớp học tiền sản là vô cùng quan trọng, nhất là với những người lần đầu làm mẹ. Tham gia các lớp học này sẽ giúp bạn làm quen các kỹ thuật thở và rặn khi sinh, giảm đau cũng như tự tin hơn khi sinh thường.
- Chuẩn bị giỏ đồ đi sinh: Mẹ bầu nên chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết cho cả mẹ và bé trước khi sinh để tránh những lo lắng không cần thiết. Theo kinh nghiệm của mình, bạn nên chuẩn bị hai chiếc túi hoặc giỏ riêng. Một túi đựng tất ấm, áo khoác, khăn đắp và những thứ cần thiết cho mẹ sau khi sinh và một túi đựng vật dụng cần thiết cho con như quần áo, khăn quấn, bình sữa... để cần tìm gì là biết ngay “địa chỉ”.
- Chọn bệnh viện và bác sĩ: Việc lựa chọn một bệnh viện và bác sĩ uy tín sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn trong quá trình sinh nở. Mình theo khám một bác sĩ từ đầu đến cuối thai kỳ và bác sĩ đó cũng là người trực tiếp phụ trách ca sinh của mình luôn. Việc có một bác sĩ theo dõi xuyên suốt thai kỳ sẽ giúp mẹ an tâm hơn rất nhiều đấy!
- Ngoài ra, bạn vẫn cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng để cung cấp đủ năng lượng cho cả mẹ và bé. Các mẹ cần ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi thường xuyên để có đủ sức khỏe, sẵn sàng cho quá trình sinh nở.
- Trong suốt thai kỳ, tôi luôn cố gắng lắng nghe cơ thể mình và thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tôi cũng tham gia các lớp học tiền sản để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở. Nhờ đó, tôi may mắn có một hành trình vượt cạn thuận lợi, mẹ tròn con vuông.
Các mẹ hãy tận hưởng những khoảnh khắc cuối cùng trong thai kỳ và chuẩn bị tinh thần để chào đón thiên thần nhỏ của mình nhé!