

Bước vào thai kỳ khiến nhiều mẹ bỡ ngỡ với việc điều chỉnh chế độ tập luyện thể dục. Vận động đúng và đủ trong thai kỳ có nhiều tác động tích cực tới thai kỳ hơn những gì chúng ta vẫn thường quan niệm.
Tập thể dục có an toàn cho thai kỳ không?
Nếu bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh và một sức khoẻ tốt thì tập thể dục không những không có hại mà còn đem lại lợi ích to lớn cho cả mẹ và bé. Vận động trong khi trong những giai đoạn sức khoẻ ổn định không làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hay thai nhỏ. Ngược lại, vận động đều đặn và vừa đủ khi mang thai có thể cải thiện đáng kể sức khoẻ cũng như chất lượng sống của mẹ như:
- Giảm đau lưng
- Giảm táo bón
- Giảm nguy cơ phát triển tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật
- Tăng cân lành mạnh khi mang thai
- Cải thiện sức khoẻ nói chung và hệ thống tim mạch nói riêng
- Hỗ trợ giảm cân sau sinh
Tập thể dục bao nhiêu là đủ?
Với các mẹ đang có cường độ tập thể dục cao trước bầu hay những mẹ không có thói quen vận động thì đây là câu hỏi mà các mẹ rất băn khoăn. Câu trả lời đó là mẹ nên tập 30 phút mỗi ngày trong vòng 5 ngày mỗi tuần ở cường độ vận động trung bình. Cường độ vận động trung bình là mức tập mà mẹ có thể nói nhưng không thể hát trong khi tập.
Một số bài tập thể dục có cường độ vận động trung bình như đi bộ nhanh, làm vườn, thể dục nhịp điệu... Với những mẹ chưa từng tập thể dục trước đây, bác sĩ khuyên nên bắt đầu với 5 phút mỗi ngày và tăng dần cho đến khi có thể tập được 30 phút. Với các mẹ đã có chế độ tập luyện trước đây, nếu muốn tập nặng hơn cần xin ý kiến bác sĩ.

Khi nào thì mẹ cần nghỉ ngơi hoàn toàn và tránh vận động?
Thể dục trong thai kỳ khoẻ mạnh không hề nguy hiểm, tuy nhiên có một số trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu mẹ nghỉ ngơi và tránh các vận động để giữ an toàn cho bé, cụ thể gồm:
- Mẹ mắc bệnh tim mạch và hô hấp
- Khâu vòng cổ tử cung
- Mang đa thai kèm các nguy cơ sinh non
- Rau tiền đạo sau tuần 26
- Tiền sản giật, tăng huyết áp
- Thiếu máu nặng
Bà bầu phải lưu ý nguyên tắc quan trọng nhất của tập thể dục trong quá trình mang thai là tuân thủ theo hướng dẫn của y bác sĩ khi có ý định tăng cường tập thể dục. Khi tình trạng sản phụ ổn định, bác sĩ sẽ yêu cầu người phụ nữ tập thể dục với cường độ phù hợp. Điều quan trọng nhất là người phụ nữ vẫn tập thể dục, ví dụ như đi bộ nhưng người tập vẫn có thể nói chuyện, trao đổi bình thường. Còn nếu khi bạn tập mà cảm giác hụt hơi thì phải dừng lại, đi khám y bác sĩ để tránh trường hợp tập quá sức và gây nguy hiểm cho tính mạng mẹ và con. Cảm giác khó thở, hụt hơi dễ gây nguy cơ sang chấn, ngã trong quá trình tập thể dục của phụ nữ mang thai.
![]() Bài viết được tư vấn bởi ThS. BS Phan Chí Thành Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương Phòng khám 4Women Clinic - 69 ngõ 325 Kim Ngưu, Hà Nội | Hotline: 094 866 56 65 |