
Trẻ sinh non đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe nên việc chăm sóc trẻ tại nhà không hề dễ dàng. Ngoài việc phải trang bị đầy đủ kiến thức chăm trẻ sinh non, cha mẹ cũng cần chú ý việc hỗ trợ vận động thêm cho bé bởi những người có chuyên môn.
Ngọc Minh
Trải qua 6 năm chăm sóc một bé trai khỏe mạnh, thông minh, tôi từng tự tin về khả năng nuôi con nhỏ của mình. Cho đến khi phải đối mặt với việc chăm sóc một em bé sinh cực non khi chỉ 28 tuần tuổi, tôi mới hiểu rằng đó là một thế giới hoàn toàn khác và cha mẹ phải kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Những ngày con được các bác sĩ duy trì sự sống bằng máy thở trong bệnh viện, tôi đã lục tung Internet để tìm hiểu kiến thức chăm sóc trẻ sinh non. Khi ấy, tôi mới biết rằng có một hành trình khác vô cùng phức tạp, vô cùng nhiều vấn đề mà các em bé sinh non, sinh cực non thường gặp phải. Đó là những cơn ngưng thở, da tím tái cần được xử lý đúng cách và kịp thời. Hay những bữa ăn cần được kiểm soát về số lượng, chất lượng lẫn thời gian để con không bị tụt đường huyết và có thể tăng cân. Rồi là những bài massage, những lần tập vận động và vô vàn lưu ý khác để con có thể bắt kịp các mốc như những em bé sinh đủ tháng.
Duy trì môi trường phòng ngủ như trong bệnh viện
Ngày đón con về nhà, cân nặng của con vỏn vẹn 1,7kg. Khi ấy, Hà Nội cũng vào giai đoạn chuyển mùa sang đông, trời từ se se lạnh sang lạnh sâu. Gia đình tôi đã quyết định duy trì môi trường phòng và nhiệt độ phòng như trong bệnh viện để tránh vi khuẩn, bụi bặm bên ngoài, ảnh hưởng sức khỏe và hô hấp của con.
Mỗi khi tiếp xúc với con, mọi thành viên trong gia đình đều phải đeo khẩu trang, rửa tay, thay trang phục ở nhà. Ga gối con tiếp xúc cũng được thay hàng ngày.
Vì da các bé sinh non gần như chưa có lớp mỡ dự trữ nên các con sẽ lạnh hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Do vậy, nhiệt độ phòng con luôn được duy trì ở mức 28-30 độ C. Trang phục của con cũng luôn là đồ dài, có thêm lớp chăn quấn bên ngoài cho đến khi con đủ 3 kg thì mới mặc đồ dài mỏng.

Ngoài môi trường, nhiệt độ, tôi cũng dùng nhiệt kế ẩm để đo độ ẩm trong phòng, dùng máy hút ẩm và máy tạo độ ẩm để duy trì độ ẩm trong khoảng 60%.
Cùng với nhiệt độ phòng, việc tắm cho con hàng ngày cũng cần rất cẩn thận từ nhiệt độ nước đến thời gian tắm. Để theo dõi sức khỏe con hàng ngày, tôi nhờ bác điều dưỡng đã chăm sóc con những ngày nằm viện về tắm, massage và tập vận động cho con ngay từ ngày đầu tiên về nhà.
Tôi duy trì những việc làm này đến khi con được 5 tháng tuổi. Sau đó, khi con đã cứng cáp hơn, tôi bắt đầu dần dần với việc cho con tiếp xúc với môi trường bình thường và duy trì cho con vận động hàng ngày. Nhờ sự kỹ lưỡng này mà đến khi con 1 tuổi gần như không phải dùng đến thuốc kháng sinh. Các mốc vận động biết lẫy, bò, đi của con cũng hoàn toàn bình thường như những bạn sinh đủ tháng.
Dinh dưỡng cho trẻ sinh non
Trẻ sinh non có nhu cầu dinh dưỡng rất khác so với những em bé đủ tháng. Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên trẻ sinh non rất dễ gặp tình trạng viêm ruột. Do vậy, sữa mẹ càng có lợi ích đặc biệt, phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Việc cho trẻ sinh non ăn cũng cần vô cùng cẩn trọng. Từ truyền tĩnh mạch, ăn sonde (truyền sữa qua ống dẫn vào thẳng dạ dày con) đến tập ăn thìa và ăn bình/bú mẹ là một hành trình mà mỗi cha mẹ đều phải học rất nghiêm túc để xử lý.
Trong hành trình chăm con, với tôi khó khăn nhất chính là việc cho con ăn, làm sao để con không bị nôn trớ và tăng cân đều.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp sặc sữa khi ăn dẫn đến tím tái, viêm phổi phải cấp cứu. Giai đoạn ấp kangaroo (phương pháp da kề da với con), các bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách cho con ăn, cách sơ cứu cho con khi con tím tái, sặc sữa.

Việc massage cho trẻ sinh non cũng rất quan trọng, kích thích tuần hoàn hô hấp của trẻ ổn định, giúp trẻ bú tốt và tiêu hóa tốt hơn.
Tổng lượng thức ăn của trẻ sinh non trong ngày cũng tính trên cân nặng của bé, khoảng 180-200 ml/kg cân nặng/ngày. Để kiểm soát tổng lượng ăn hàng ngày của con, tôi đã chọn cách hút sữa mẹ và cho con ăn bình, ghi lại lượng sữa từng bữa.
Ngoài việc bổ sung sắt, canxi, men vi sinh cho con, tôi cũng ưu tiên ăn nhiều thịt, rau, bổ sung vitamin tổng hợp để đảm bảo chất lượng sữa.
Cùng với sự cẩn trọng của gia đình và sự hỗ trợ của điều dưỡng theo dõi con hàng ngày, giai đoạn này, cân nặng của con tôi tăng bình quân 1-1,3kg/tháng và rất may mắn, từ ngày con về nhà, con không bị sặc sữa hay tím tái lần nào.
Đây chỉ là số ít những việc cần làm, cần lưu ý với trẻ sinh non từ kinh nghiệm của cá nhân tôi. Nếu các cha mẹ còn đang lúng túng với việc chăm trẻ sinh non thì đừng ngại nhờ tư vấn bác sĩ, điều dưỡng chăm con từ những ngày đầu trong viện để các con sinh non đều lớn lên mạnh khỏe, nhanh nhẹn như những em bé đủ tháng nhé!
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |