

Trước đây, chúng ta nói rất nhiều đến trầm cảm sau sinh. Nhưng trong quá trình mang thai, tỷ lệ phụ nữ lo lắng, trầm cảm, căng thẳng thậm chí còn cao hơn.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh là trong quá trình mang thai, người phụ nữ mang nặng đẻ đau một sinh linh vô cùng quan trọng, gần như giá trị hơn tính mạng của chính mình. Khi mang đứa trẻ trong người, họ thường xuyên cảm thấy lo lắng về các vấn đề có thể gặp. Thay đổi thời tiết, uống nhầm một viên thuốc, ngã, thậm chí đi lại nhẹ nhàng cũng khiến họ lo lắng cho sự an nguy của thai nhi. Một số trường hợp đi khám, nhìn bác sĩ chau mày, không nói gì, các mẹ lại nghĩ rằng con mình đang bị nguy hiểm. Đấy là lý do phụ nữ mang thai rất hay lo lắng, thậm chí, tỷ lệ lên đến 50-60%.
Chúng tôi cũng gặp nhiều người chồng phản ánh về việc vợ rất hay cáu và khóc không lý do. Bởi khi mang thai, lúc nào, họ cũng đang lo lắng, tìm cách bao bọc, bảo vệ cho con, chỉ cần một chút tác động cũng làm ảnh hưởng tới cảm xúc của người mẹ.
Trong quá trình mang thai, người phụ nữ thường được gia đình, chồng chăm sóc, lo lắng, quan tâm. Nhưng với phụ nữ sau sinh, họ thường bị thiệt thòi khi lúc này, gia đình tập trung quan tâm cho đứa trẻ sơ sinh mà quên đi người mẹ. Chính điều đó làm cho tình trạng trầm cảm của người phụ nữ sau sinh thường nghiêm trọng hơn so với người phụ nữ khi mang thai nên được cảnh báo nhiều hơn. Còn trong quá trình mang thai, nhờ sự sẻ chia, chăm sóc, bà bầu bị trầm cảm cũng sẽ dễ dàng vượt qua hơn.

Điều quan trọng nhất là thai phụ phải nhận ra mình đang có các dấu hiệu như hay lo lắng, căng thẳng, hồi hộp, đánh trống ngực, thường xuyên cáu gắt, thậm chí khóc dễ dàng… và ý thức được rằng điều đó đang không tốt cho con. Đã có rất nhiều bằng chứng chứng minh sự lo lắng của người phụ nữ mang thai làm tăng nồng độ cortisol, tăng nguy cơ tiểu đường trong lúc mang thai.
Nhiều thai phụ đang lo nhưng không biết là mình đang lo, lúc nào họ cũng bồn chồn, nghĩ rằng phải kiểm tra dù tình trạng đang an toàn. Vậy làm thế nào để hết lo lắng? Cách duy nhất là đi khám bác sĩ và tuân thủ các lịch khám thai định kỳ. Trách nhiệm của bác sĩ phụ sản là sẽ trả lời các thắc mắc và lo lắng cho người mẹ, đồng thời theo dõi tình trạng của thai nhi. Chúng tôi không yêu cầu bà bầu tự theo dõi cho con, vì rất khó. Hầu hết càng theo dõi, họ càng lo hơn. Do đó, việc đi khám định kỳ là rất quan trọng. Còn trách nhiệm của bác sĩ sản phụ khoa bên cạnh khám chữa bệnh là phải động viên, phát hiện bà bầu đang lo lắng, căng thẳng và điều trị cho họ thì mới kiểm soát được bệnh.
Bài viết được tư vấn bởi TS. BS Phan Chí Thành Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương Phòng khám 4Women Clinic - 69 ngõ 325 Kim Ngưu, Hà Nội | Hotline: 094 866 56 65 |