
Tôi không thể quên được lần đầu nghe tim thai của con khi siêu âm. Đó là cảm giác hạnh phúc, vỡ òa, khó diễn tả. Lúc đó tôi nghĩ: “À, thì ra có một em bé đang ở trong bụng, đồng hành cùng mình suốt 9 tháng 10 ngày tới”.
Thắm Phạm
Kết hôn 2 năm mà chưa có con, vợ chồng tôi luôn trong trạng thái lo lắng, áp lực. Con đến vào một ngày không ngờ tới, tôi phát hiện những dấu hiệu lạ và mua que thử thai. Cảm xúc của tôi không thể diễn tả hết bằng lời, đó là sự ngạc nhiên, hạnh phúc và xen lẫn nhẹ nhõm.
Từ đó, mỗi ngày trôi qua với tôi là một bước gần hơn chào đón thiên thần nhỏ. Tôi ngóng từng ngày đến lần siêu âm đầu tiên để được nghe tiếng tim thai.
Đến giờ tôi vẫn bồi hồi, xúc động vì đó thực sự là cột mốc quan trọng và đặc biệt ý nghĩa - lần đầu tiên mình nghe nhịp đập của con, lần đầu tiên được kết nối với sinh linh bé nhỏ trong cơ thể mình.

Bác sĩ cho biết sự hình thành và phát triển của thai nhi gắn liền với quá trình hình thành tim thai. Vì vậy đây cũng là dấu hiệu quan trọng để thăm dò sức khỏe thai nhi, đo chiều dài đoán tuổi thai, đồng thời phát hiện ra vấn đề bất thường, tìm hướng giải quyết kịp thời.
Theo tôi tìm hiểu, thông thường, tim thai xuất hiện vào tuần thứ 6-7 của thai kỳ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phải vào khoảng tuần thứ 8-10 của thai kỳ, mẹ mới có thể nghe thấy tim thai. Điều này phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt cũng như sự phát triển của phôi thai. Mẹ đừng quá lo lắng nếu chưa nghe được tim thai ở lần thăm khám đầu tiên. Bác sĩ sẽ kiểm tra, chỉ định khám và siêu âm sau khoảng 1-2 tuần nếu không phát hiện bất thường.
Vào tuần thứ 20, tim thai bắt đầu ập mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Từ tuần thai thứ 20 này, chúng ta đã có thể tự nghe được nhịp đập của con mà không cần sự hỗ trợ của thiết bị hay bác sĩ. Nhịp đập của tim thai càng lớn, càng dứt khoát chứng tỏ thai nhi đang phát triển bình thường và khỏe mạnh.

Tuy nhiên, tim thai không phải lúc nào cũng trong trạng thái bình thường trong khoảng 120-160 nhịp/phút. Nhịp tim thai đập nhanh khi đạt 180 nhịp/phút và đập chậm khi giảm xuống còn 110 nhịp/phút. Sự thay đổi bất thường của nhịp tim thai là dấu hiệu báo động đối với sức khỏe của thai nhi. Do đó, khi các mẹ cảm thấy cơ thể có điều bất thường thì cần nhanh chóng đến bác sĩ để thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, để có thai kỳ khỏe mạnh, tim thai phát triển tốt, mẹ nên giữ tâm trạng thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thông qua chế độ ăn uống, tăng cường thực phẩm có chứa acid folic, đặc biệt trong giai đoạn đầu mang thai. Đồng thời, mẹ cần hạn chế sử dụng rượu, bia, nói không với hút thuốc lá, tránh khói thuốc vì có thể gây dị tật bẩm sinh thai nhi.
Sau cùng, việc kiểm tra tình hình phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn rất quan trọng và cần thiết. Bản thân tôi luôn tái khám theo đúng lịch của bác sĩ, tại bệnh viện, phòng khám uy tín để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.