
Trung bình trong 100 trẻ sẽ có 8 trẻ bị sinh thiếu tháng. Việc trang kỹ đầy đủ kiến thức nhận biết dấu hiệu sinh non và cách xử lý sẽ giúp mẹ và bé tăng tỷ lệ an toàn khi chuyển dạ.
Ngọc Anh
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, sinh non (chuyển dạ sớm) được định nghĩa là các trường hợp mẹ có dấu hiệu sắp sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Ước tính, trong khoảng 100 em bé sẽ có 8 trẻ sinh non.

Dấu hiệu mẹ bầu sinh non
Dọa sinh non có thể hiểu là tình trạng xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ, sắp sinh trong khoảng thời gian từ tuần thai 22 đến tuần thai thứ 37. Thông thường, ở thời điểm thai kỳ 20-24 tuần, mẹ nên đi khám thai định kỳ để bác sĩ đo chiều dài kênh cổ tử cung để tầm soát dấu hiệu sinh non. Khi phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định chọc ối để kiểm tra chính xác hơn.
Nếu mẹ bầu mang thai dưới 37 tuần và có một hoặc nhiều triệu chứng sau đây, bạn cần thiết gấp rút đến cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ vì đây nhiều khả năng là các dấu hiệu của sinh non:
- Những cơ co thắt bất thường và xuất hiện thường xuyên
- Đau bụng dưới (cảm giác như đau bụng kinh)
- Vỡ nước ối, hoặc dịch âm đạo bất thường
- Đau lưng bất thường
Tuy nhiên đôi khi, mẹ có thể gặp những cơn chuyển dạ giả (cơn gò Braxton Hicks) – biểu hiện giống như chuyển dạ thật, thường diễn ra từ khoảng tuần 20 của thai kỳ. Các cơn gò Braxton Hicks thường ngắn (dưới 45 giây) và không đều, gây khó chịu ở nhiều nơi khác nhau, chẳng hạn như háng, bụng dưới hoặc lưng. Trong khi đó, nếu mẹ chuyển dạ thật, các cơn co thắt thường diễn ra đều đặn, kéo dài hơn và mạnh hơn. Cơn đau thường bắt đầu từ đỉnh tử cung và di chuyển dần xuống. Mẹ cũng có thể cảm thấy đau ở lưng dưới và xương chậu.
Nguyên nhân khiến mẹ có nguy cơ sinh non?
Theo Betterhealth channel, có nhiều nguyên nhân khiến mẹ sinh non:
- Mẹ có tiền sử huyết áp cao hoặc béo phì
- Mẹ có tiền sử sinh con sớm.
- Các yếu tố về lối sống như ít vận động, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng hoặc lạm dụng chất gây nghiện trong quá trình mang thai.
- Chảy máu nhau thai
- Mẹ bị các tình trạng nhiễm trùng nói chung
- Mẹ có các vấn đề ở tử cung và cổ tử cung như u xơ tử cung, từng phẫu thuật ở bộ phận này
- Mẹ mang thai đôi, thai ba cũng có nguy cơ sinh non nhiều hơn bình thường.
Em bé sinh non có nguy cơ sức khỏe gì?
Bởi vì trẻ sinh non được sinh ra trước khi sẵn sàng về thể chất để rời khỏi bụng mẹ, nên trẻ sinh non có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe nhiều hơn các em bé sinh đủ tháng. Một số ảnh hưởng mà bé sinh thiếu tháng có thể mắc phải như vấn đề hô hấp, rối loạn thân nhiệt, vấn đề tim mạch bẩm sinh, các vấn đề về đường tiêu hóa hay thiếu máu,… Vì những vấn đề sức khỏe này, trẻ sinh non thường được chăm sóc và hỗ trợ y tế thêm ngay sau khi sinh.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định mẹ sinh bé sớm hơn (ví dụ khi người mẹ bị tiền sản giật, chảy máu nhau thai hoặc bé trong bụng không lớn thêm). Mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn rõ những điểm lợi và rủi ro với hai lựa chọn để bé sinh thiếu tháng hoặc tiếp tục mang thai để cả mẹ và bé đều được an toàn qua cuộc vượt cạn.
Cần làm gì khi mẹ có dấu hiệu chuyển dạ?
Khi có dấu hiệu chuyển dạ sớm, điều cần thiết là mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để được đội ngũ bác sĩ thăm khám kịp thời. Tùy theo số tuần thai và tình trạng sức khỏe của mẹ, các bác sĩ sẽ có phương án thích hợp để bảo vệ mẹ và bé.

Nếu bạn mang thai dưới 34 tuần, bệnh viện có thể sẽ cho mẹ bầu thuốc để làm chậm quá trình chuyển dạ, đồng thời chuyển bạn đến bệnh viện có phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sinh non. Trong trường hợp bạn mang thai hơn 34 tuần, bác sĩ có thể cho phép quá trình chuyển dạ tiếp tục diễn ra và hỗ trợ để bé chào đời an toàn dù sinh thiếu tháng. Bệnh viện sẽ tiêm steroid để giúp phổi của bé giảm khó thở sau khi sinh - một sự hỗ trợ cần thiết khi phổi em bé chưa hoàn toàn sẵn sàng để hít thở không khí.
Theo Betterhealth