
Ở tuổi này, bé có thể bắt đầu kén ăn nhưng cha mẹ đừng nản chí. Hãy tiếp tục chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung vài mẹo nhỏ dưới đây để con hứng thú với việc ăn hơn.
Phương Linh
Trẻ ở tuổi này nên ăn uống gì?
Khi các kỹ năng dần hoàn thiện, con có xu hướng vui vẻ hơn khi tham gia bữa ăn cùng cả nhà. Bé có thể sẽ nói “Măm nữa” hoặc “Xong”, thậm chí đã biết sử dụng thìa dù chưa được khéo léo lắm.
Ở độ tuổi này, mẹ có thể cho bé ngưng sử dụng bình hút, cốc có nắp mà chuyển sang cốc uống thông thường. Những chiếc răng hàm đầu tiên của bé đã mọc, đồng nghĩa kỹ năng nhai tốt hơn. Giai đoạn này, cha mẹ nên sắp xếp 3 bữa chính cộng thêm 2-3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày cho con.

Các món ăn nhẹ phù hợp cho trẻ có thể kể đến: Trái cây tươi, cà rốt, dưa chuột, ngũ cốc nguyên hạt với sữa, sữa chua hoặc phô mai tươi. Nếu mẹ vẫn đang cho con bú, sữa mẹ có thể tiếp tục cung cấp đề kháng cho con. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho con uống sữa bò tươi nguyên chất để bổ sung năng lượng và vitamin, không cần uống thêm sữa công thức.
Vào bữa ăn, phụ huynh cũng có thể cho trẻ uống nước ép trái cây (có thể pha loãng để giảm lượng đường). Lưu ý, tuyệt đối không cho bé sử dụng đồ uống có gas vì nhiều đường và axit không tốt cho răng.
Cách tạo hứng khởi cho bữa ăn
Khi kỹ năng ngôn ngữ phát triển, bé có thể sẽ nói "Không" với một số món nhất định. Thực tế, nhiều trẻ tuổi này hình thành chứng sợ đồ ăn mới. Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là cơ chế tiến hóa giúp trẻ không ăn những đồ tiềm ẩn nguy hiểm.
Cha mẹ có thể sẽ cần phải cho bé ăn món mới 10 lần mới thành công. Hãy kiên trì, vì khẩu vị của con sẽ thay đổi theo thời gian, do đó việc bé không thích một món ăn ở hiện tại không đồng nghĩa bé tiếp tục không thích trong tương lai.
Trong giai đoạn 19-24 tháng tuổi, việc trẻ ăn nhiều vào một bữa và không ăn gì bữa tiếp theo là chuyện bình thường. Cha mẹ đừng gây áp lực, thay vào đó hãy cho con ăn đa dạng mỗi ngày và ngồi ăn cùng cả nhà bất cứ khi nào có thể. Nếu trẻ không muốn ăn, hãy cất thức ăn đi, không nói gì thêm và cho bé thử lại vào lần sau.

Nên tránh hứa cho trẻ ăn món tráng miệng yêu thích nếu con chịu ăn hết bữa tối. Điều này khiến bé dần trở nên ít thích các loại thức ăn khác, chỉ thích đồ ngọt.
Với một số món ăn mới, cha mẹ có thể khéo léo “giấu” vào những món quen thuộc, ví dụ trộn rau củ với nước sốt. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển khẩu vị và kích thích thói quen ăn uống lành mạnh.
Lưu ý, cha mẹ nên tránh để trẻ bị phân tâm vào TV, điện thoại, đồ chơi trong bữa ăn và đừng quên dành lời khen ngợi khi bé ăn ngon để khuyến khích con tiếp tục ăn.
Theo BabyCentre