
Ở giai đoạn này, điều quan trọng nhất là cha mẹ nên ăn cùng con và tạo không khí hào hứng trên bàn ăn, đồng thời thực hành dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ để tạo tiền đề tương lai.
Nhật Anh
Trẻ từ 2 tuổi nên ăn gì?
Lên 2 tuổi đồng nghĩa con có thể thưởng thức nhiều loại thực phẩm hơn. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên tránh thêm muối vào khẩu phần ăn của trẻ, cũng như hạn chế đồ ngọt.
Một điều dễ nhận thấy ở độ tuổi này là nhiều trẻ vẫn còn kén ăn. Nếu con chưa nếm thử miếng nào đã từ chối món mới, hãy cứ kiên trì nấu và mời con ăn thử thậm chí 10-15 lần. Mẹo nhỏ để con dễ đón nhận món mới là mời cùng món khoái khẩu của bé. Bằng cách đó, con sẽ biết bản thân đang nếm thử món gì, từ đó tập làm quen. Tuy nhiên, cha mẹ không nên ép con ăn mà cần kiên trì giới thiệu món đó đến khi trẻ có hứng thú.
Lưu ý nhỏ là cha mẹ nên tạo điều kiện để con được trải nghiệm nhiều loại thức ăn với nhiều màu sắc, hương vị và kết cấu. Trẻ sẽ thích thú khi được khám phá tất cả hương vị mới lạ, còn cha mẹ thì yên tâm vì con đang tiếp nhận nhiều loại thực phẩm với đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.
Cho con thưởng thức món tráng miệng sau bữa trưa và bữa tối không chỉ giúp giờ cơm trở nên thú vị hơn, mà còn là cách tuyệt vời để đa dạng thực phẩm trong chế độ ăn uống của bé. Để tăng cường vitamin và chất xơ, cha mẹ nên chế biến món tráng miệng bằng một số loại trái cây tươi ngon; hạn chế đồ giàu chất béo hoặc nhiều đường.

Thức uống phù hợp nhu cầu trẻ từ 2 tuổi
Đồ uống tốt nhất cho trẻ ở độ tuổi này là nước và sữa. Khi con được 2 tuổi, bạn có thể cho con uống sữa ít béo. Tuy nhiên, nên tránh dùng sữa tách béo vì thức uống này không cung cấp đủ năng lượng cho con.
Trong bữa ăn, bạn có thể cho con nhâm nhi chút nước ép trái cây pha loãng (1 phần nước ép pha với 10 phần nước). Nên tránh các loại nước ép trái cây cô đặc, sữa có hương liệu tạo vị; không dùng đồ uống có gas và thức uống trái cây đóng hộp vì chứa nhiều đường, không tốt cho trẻ.
Về dụng cụ uống, tốt nhất nên để con uống bằng cốc thông thường thay vì bình hoặc cốc có nắp. Nếu con gặp khó khăn trong việc chuyển đổi, hãy tham khảo lời khuyên của chuyên gia về cách tập cho con uống bằng cốc.

Kỹ năng dùng thìa, đũa và thói quen dùng bữa
Đến lúc này, con có thể dùng thìa tốt và thích tự xúc hơn. Thậm chí bé có thể tập dùng đũa nếu cha mẹ cho phép.
Để tiếp sức cho con trên hành trình học hỏi kỹ năng ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ luyện tập với bộ đồ ăn đồ chơi. Ví dụ, dùng đũa tập gắp các hạt đậu hay dùng dao nhựa cắt bột thành từng miếng nhỏ để đôi tay thêm khéo léo.
Một số trẻ có thói quen ăn chậm. Lúc này cha mẹ nên kiên nhẫn và khen ngợi con nhiều hơn, ngay cả khi bé chỉ ăn một lượng nhỏ. Tốt nhất là nên cho con ăn từng suất nhỏ trước, nếu con chưa no thì tiếp tục gắp thêm đồ vào bát. Đồng thời, cha mẹ cũng lưu ý không nên cho con ăn uống bao lâu tùy thích mà cần giới hạn giờ ăn trong khoảng 20-30 phút.
Giờ ăn là cơ hội tuyệt vời để trò chuyện với con, giúp tăng thêm sự gắn kết gia đình. Khi nấu bữa cơm chung, bạn có thể lên thực đơn gồm một số món ăn/nguyên liệu tương tự của trẻ, đồng thời chia sẻ những điều hay ho về món đó. Nhìn thấy bạn ăn uống ngon lành, con sẽ được truyền cảm hứng để trải nghiệm món mới.
Cha mẹ nên tập cho con ăn uống trong môi trường không tiếng ồn bằng cách tắt TV, đưa thú cưng sang phòng khác, không sử dụng đồ chơi. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể mời bạn bè của con đến nhà để cùng thưởng thức bữa ăn chung. Trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ, ăn uống ngon miệng hơn khi ngồi cùng bạn hàng xóm, bạn cùng lớp…
Ở tuổi này, con có thể vẫn cần giấc ngủ trưa. Do đó, cha mẹ cần lên lịch bữa chính và bữa phụ hợp lý, cân đối với lịch ngủ nghỉ, đồng thời cố gắng duy trì thói quen cố định mỗi ngày. Nếu con đi nhà trẻ hoặc có người trông trẻ, cha mẹ nên báo với cô giáo về thói quen ăn ngủ của con, từ đó tạo nếp sinh hoạt lành mạnh.
Theo BabyCenter