
Khi cha mẹ ứng dụng nguyên lý dưỡng sinh vào nấu ăn dặm, bé không chỉ tăng cân mà còn nuôi dưỡng khí huyết, tiêu hóa khỏe, miễn dịch tốt.
Phân loại thực phẩm theo âm - dương và cách chọn thực phẩm theo mùa
Trong Đông y, thực phẩm mang tính âm hoặc dương – tức là thiên về mát hay thiên về ấm. Biết được điều này mẹ sẽ chọn đúng thực phẩm phù hợp với thời tiết và thể trạng của con.
Thực phẩm phân loại theo âm dương
- Thực phẩm âm tính thường mát, nhiều nước, mềm, màu thiên về đen - xanh - trắng như bí xanh, rau cải, lê, đậu hũ, rong biển… Thực phẩm này phù hợp với trẻ nóng trong, nổi rôm và nên dùng vào mùa hè.
- Thực phẩm dương tính có tính ấm, đặc, ít nước, màu đỏ - vàng - cam - hồng như thịt gà, gừng, nghệ, cà rốt, bí đỏ… Thực phẩm này phù hợp dùng vào mùa lạnh cho trẻ bụng yếu, hay đi ngoài phân sống.
Chọn thực phẩm theo mùa dựa trên nguyên lý dưỡng sinh:
Xuân - hạ dưỡng dương
Vào mùa xuân và mùa hạ, thời tiết bắt đầu ấm lên, dương khí trong cơ thể tăng mạnh và dễ phát tán ra ngoài theo sự vận động của thiên nhiên. Nếu không biết cách điều tiết, cơ thể trẻ dễ bị mất cân bằng, gây ra triệu chứng như đổ mồ hôi nhiều, khô miệng, nóng trong, nổi mẩn… Dưỡng sinh gọi giai đoạn này là “dưỡng dương”, không phải “bổ sung dương” mà là giữ lại, bảo tồn dương khí quý báu trong cơ thể, giống như việc che chắn cho ngọn lửa không bị gió tạt tắt đi.
Vì vậy, trong ăn uống, cha mẹ nên ưu tiên thực phẩm thanh mát, có tính điều hòa âm dương như rau củ theo mùa (bí xanh, mồng tơi, đậu xanh…), trái cây mát tự nhiên; tránh lạm dụng thực phẩm quá cay nóng hay quá bổ béo, dễ kích hỏa khiến dương khí bốc lên mạnh hơn; cần chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ nhưng giữ vị ngọt tự nhiên như cháo đậu đỏ bí đỏ, cháo thịt nạc rau xanh ninh kỹ.
Thu - đông dưỡng âm
Khi bước vào mùa thu và đông, thiên khí chuyển lạnh, khô và dần thu hẹp, âm khí trong cơ thể dễ hao tổn. Theo đó, trẻ nhỏ dễ bị khô môi, ho khan, da nứt nẻ, táo bón, hay nhiễm lạnh. Đây là thời điểm cần dưỡng âm - tức là nuôi dưỡng phần tĩnh, ẩm, sâu bên trong để giữ cho khí huyết không bị khô kiệt và giúp cơ thể thích nghi tốt với lạnh giá.
Trong ăn uống, dưỡng âm mùa thu đông cần:
- Tăng cường thực phẩm có tính ấm và nhu nhuận, giữ ẩm cho phổi, da và đường ruột. Ví dụ lê hấp đường phèn, cháo hạt sen khoai lang, súp bí đỏ, cháo chim câu…
- Tránh ăn đồ sống, lạnh, khô cứng hoặc có tính tán phong hàn như nước đá, trái cây lạnh, sữa chua để ngăn không cho âm khí bị hao hụt.
- Ưu tiên món mềm, nấu chín kỹ, ăn ấm nóng, giúp giữ nhiệt cho hệ tiêu hóa và kích thích tỳ vị hoạt động hiệu quả.
- Để giữ ẩm và phòng khô lạnh, có thể dùng món thanh mát nhưng bổ âm như cháo lê, cháo hạt sen, cháo đậu xanh khoai lang.
Ý nghĩa của cách chế biến thực phẩm theo dưỡng sinh và ngũ hành
Trong dưỡng sinh, chế biến không chỉ là nấu chín mà còn là cách chuyển hoá năng lượng tự nhiên của thực phẩm sang dạng dễ hấp thu, dễ tiêu hóa; giúp món ăn trở thành dưỡng chất nuôi khí huyết, tạng phủ và tinh thần cho trẻ.
Theo triết lý Đông y, món ăn dưỡng sinh cần cân bằng 5 yếu tố ngũ hành để hỗ trợ chuyển hóa tối ưu:
Các yếu tố ngũ hành trong việc chế biến thức ăn:
- Mộc - gạo, rau củ, nguyên liệu
- Hỏa - lửa nấu, nhiệt độ
- Thổ - nồi đất, môi trường tiếp nhận năng lượng
- Kim - hơi nóng, áp suất, khí trong nồi
- Thủy - nước nấu, độ ẩm trong món ăn
Việc cân bằng 5 yếu tố này trong quá trình nấu ăn giúp duy trì năng lượng sống (khí) trong thực phẩm, giữ lại dưỡng chất, giúp bé dễ hấp thu và nuôi dưỡng tỳ vị (tiêu hóa), phế (hô hấp), thận (chuyển hóa).
Gợi ý cách chế biến theo ngũ hành cho mẹ bỉm hiện đại
Để giữ trọn năng lượng và sự hài hòa ngũ hành trong món ăn dặm, mẹ có thể áp dụng mẹo sau:
- Dùng bếp lửa thật nếu có điều kiện (bếp củi, bếp than sạch) để giữ ngọn lửa ấm tự nhiên. Nếu không, bếp ga là lựa chọn thay thế tốt hơn so với bếp điện từ, vì nó tạo ra “lửa thực”, biểu tượng của hành Hỏa.
- Nên chọn nồi đất, nồi gang hoặc thố sứ. Đây là những loại nồi thuộc hành Thổ, giúp lưu giữ và truyền nhiệt đều, món ăn chín sâu từ trong mà vẫn giữ vị ngọt tự nhiên.
- Với mẹ bận rộn, có thể dùng nồi nấu chậm (slow cooker), vừa tiện lợi vừa giữ nguyên tinh túy món ăn theo đúng dưỡng sinh cổ truyền.
- Chọn phương pháp nấu chậm, sâu, dịu nhẹ: Cha mẹ nên ninh, hầm, hấp hoặc nấu cháo, luộc chậm; không nên xào mạnh tay hoặc chiên dầu mỡ. Ví dụ cháo chim câu nấu hạt sen (âm - dương kết hợp), hoặc hấp cà rốt với dầu gấc giúp giữ dương khí.
Những phương pháp này không chỉ làm mềm thực phẩm, giúp hệ tiêu hóa non nớt của trẻ hấp thu tốt hơn, mà còn chuyển hoá thành nguồn sinh khí đưa đến từng tế bào.
Kết luận
Nuôi con bằng tâm không chỉ là chọn thực phẩm sạch hay giàu dinh dưỡng, mà còn là hiểu con cần gì theo từng mùa, thể trạng và chọn cách chế biến đúng. Ứng dụng dưỡng sinh vào bữa ăn dặm là cách mẹ cùng con đi qua mỗi ngày một cách nhẹ nhàng, tự nhiên mà vững vàng. Và chính sự điều đó sẽ giúp con khỏe mạnh, phát triển toàn diện, hòa hợp thiên nhiên và chính mình.
Bình luận