

Như từng chia sẻ trong bài viết Vì sao mẹ cần phản xạ xuống sữa?, đây là yếu tố cần có để hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi. Nếu không có phản xạ xuống sữa, bé chỉ bú được lượng sữa chủ yếu từ các ống dẫn sữa, chứ không nhận được nhiều sữa từ nang chứa sữa. Căng thẳng, áp lực dễ triệt tiêu phản xạ xuống sữa.
Chỉ khi cho con bú hay hút sữa, mẹ mới có phản xạ xuống sữa?
Không phải chỉ khi bé bú hay mẹ hút sữa thì phản xạ xuống sữa mới xảy ra. Đôi khi chỉ cần nhìn ngắm con, nghe tiếng con khóc, ngửi mùi quần áo con, nhìn thấy máy hút sữa hay vải áo đụng chạm vào đầu vú là phản xạ xuống sữa cũng xuất hiện. Bạn hãy thử để ý xem, nhiều khi bạn đang làm việc mà sữa cũng tự động chảy.
Khoảng 75% các mẹ có hơn 1 lần xuống sữa trong mỗi cữ bú. Trung bình trong 1 cữ bú, mỗi bên xuống sữa khoảng 2 lần. Tuy nhiên, bé bú càng lâu thì số lần xuống sữa càng nhiều.
Phản xạ xuống sữa kéo dài bao lâu?
Nếu bé bú mẹ trực tiếp, thường mất khoảng 1-2 phút sau khi bé mút (hay còn gọi là nút), phản xạ xuống sữa mới xảy ra. Ban đầu, bạn sẽ thấy bé mút nhanh và nhẹ để kích thích phản xạ xuống sữa, khi phản xạ xuống sữa xảy ra, bé sẽ mút chậm lại để nuốt sữa.
Mỗi lần phản xạ xuống sữa xảy ra sẽ kéo dài trung bình khoảng 3 phút. Tuy nhiên bạn chỉ có thể cảm nhận được nó chừng 20-30 giây mà thôi.

Những yếu tố ức chế phản xạ xuống sữa
Dù mẹ cho bú trực tiếp, vắt sữa bằng tay hay bằng máy thì phản xạ này đều cần phải có. Có điều, khi bé bú trực tiếp thì phản xạ này sẽ xảy ra tự nhiên. Còn khi hút sữa, nếu mẹ không tự kích thích tốt phản xạ xuống sữa thì sữa sẽ không được đẩy ra khỏi ngực tốt và dễ bị ứ lại trong ngực, gây nguy cơ tắc tia hoặc kích hoài mà sữa vẫn không tăng đủ cho con.
Đây là những yếu tố ức chế phản xạ xuống sữa. Mẹ hãy cố gắng tránh chúng càng nhiều càng tốt:
- Căng thẳng: Đây là vấn đề thường gặp ở các bà mẹ sau sinh. Có lẽ bạn cũng không ngoại lệ. Căng thẳng sẽ khiến sản lượng sữa bị giảm hoặc khiến việc kích sữa của bạn không cải thiện tốt. Bằng thiền, dành thời gian nghỉ ngơi, cố gắng ngủ đủ và ăn thực phẩm lành mạnh, bạn sẽ có thể vượt qua các thời điểm căng thẳng;
- Áp lực về thời gian: Nếu con của bạn là một em bé rất quấy, bạn sẽ thấy vừa mệt mỏi vừa không có thời gian để hút sữa. Khi ở trong trường hợp này, bạn càng nên cho bé bú trực tiếp. Một trường hợp nữa khiến bạn có thể bị áp lực về thời gian là khi quay trở lại công việc. Bạn sẽ có cảm giác không thoải mái khi hút sữa ở cơ quan, không sắp xếp được đủ thời gian để hút sữa, hoặc lúc hút cảm giác vội vàng vì phải hút nhanh để quay lại làm việc tiếp;
- Áp lực từ những người xung quanh: Ông bà, họ hàng, hàng xóm nhìn nhận việc hút sữa là không nên làm, đồng nghiệp/sếp phê phán… Bạn hãy cố gắng tránh những người có thể gây cho bạn sự áp lực, hoặc những người mang đến năng lượng tiêu cực này. Hoặc nếu không tránh được, bạn hãy cố gắng không trả lời, không tranh cãi. Hãy làm những gì bạn cảm thấy là đúng đối với hai mẹ con;
- Áp lực chăm con, không có người phụ giúp: Áp lực này bắt nguồn từ việc bạn quá cầu toàn, không muốn ai chăm con vì nghĩ chỉ có mình mới làm tốt nhất việc đó, hoặc do bạn sống xa gia đình, không có ai đỡ đần. Mẹo là: Bạn hãy nhờ vả bất cứ ai xung quanh nếu có thể như ông bà, chồng, anh chị em trong nhà… Đừng ngại!
Mẹ lưu ý:
- Không có phương pháp nào có thể rút sữa khỏi ngực mẹ một cách hiệu quả như việc bé bú trực tiếp. Lý do: Miệng, lưỡi, hàm trên, hàm dưới của bé tạo ra cơ chế kích thích đầu ti - quầng vú, và tạo ra cơ chế mút, áp lực mút một cách tự nhiên mà việc dùng tay hay dùng máy không thể nào thay thế được.
- Chìa khóa để vắt/hút sữa thành công: Kích thích phản xạ xuống sữa.
- Cần kích thích phản xạ xuống sữa trước khi vắt/hút và xen kẽ trong quá trình vắt hút.
Bài viết được tư vấn bởi BS Sữa Mẹ Lê Ngọc Anh Thy Bác sĩ Sữa Mẹ - Founder của Trung Tâm Tư vấn Sữa Mẹ BMC. Địa chỉ: Trung tâm Tư vấn Sữa Mẹ BMC, 3A Tân Canh, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp. HCM Hotline: 0764623046 - 0904755525 – 0769969525 hoặc quan tâm Zalo OA tại đây. |
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |