
Trẻ sốt là nỗi ám ảnh cho nhiều bậc cha mẹ. Nhiều người truyền tai nhau tắm là phương pháp hiệu quả để giúp con hạ sốt, nhưng liệu điều này có đúng?
Ngọc Anh
Thông thường, trẻ có triệu chứng khó chịu hoặc thân nhiệt trên 38 độ C được xem là đang sốt. Nhiệt độ của trẻ thường dao động trong ngày, đạt đỉnh vào chiều tối và giảm dần khi đêm buông. Bên cạnh việc đo nhiệt độ cho con, bạn cũng có thể nhận biết con đang sốt bằng cách quan sát trẻ với các biểu hiện như mặt đỏ bừng, chán ăn, buồn ngủ hoặc mệt mỏi hơn bình thường.
Bé khó chịu, nóng người khi bị sốt khiến không ít bố mẹ cũng sốt ruột theo. Tuy nhiên, theo y khoa, sốt là cách cơ thể bé chống lại nhiễm trùng và phần nhiều các cơn sốt đều không gây hại cho trẻ em. Trên thực tế, theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, cứ 100 trẻ em bị sốt thì chỉ có khoảng 1 trẻ có vấn đề về sức khỏe cần được bác sĩ điều trị. Thông thường, bố mẹ chỉ cần “chờ” đến khi cơn sốt qua đi.
Những lúc này, hạ sốt là ưu tiên hàng đầu để bé bớt khó chịu. Vì trẻ còn nhỏ, các bậc phụ huynh thường có khuynh hướng tìm kiếm các giải pháp hạ sốt tự nhiên thay vì dùng thuốc để bé cảm thấy thoải mái hơn. Một trong số phương pháp được nhiều bố mẹ chia sẻ là tắm để giảm thân nhiệt cho trẻ.

Thông thường, tắm không gây hại khi trẻ sốt, nhưng chưa có nghiên cứu rõ ràng về tác dụng hạ sốt của phương pháp này. Tắm giúp làm mát cơ thể, đồng thời xoa dịu và thư giãn cho trẻ. Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, tắm không làm giảm nhiệt độ của trẻ, hoặc giảm rất ít sau đó nóng trở lại.
Bác sĩ Christina Johns - bác sĩ cấp cứu nhi khoa và y tế cao cấp - cho biết: “Tắm không làm giảm đáng kể nhiệt độ cơ thể, nhưng tắm nước ấm có thể làm mát da và giúp hạ nhiệt độ tạm thời, giúp trẻ thoải mái hơn khi bị sốt”.
Phụ huynh có thể áp dụng phương pháp này nếu đang tìm kiếm một phương pháp không dùng thuốc để con cảm thấy dễ chịu hơn. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tắm bằng bọt biển là phương pháp được khuyến nghị, khi trẻ lớn hơn có thể ngồi trong bồn tắm hoặc vòi sen nước ấm. Ngoài ra, tắm cũng là phương pháp hạ sốt hữu ích nếu trẻ gặp khó khi uống uống hoặc nôn mửa trong lúc bị bệnh.
Bố mẹ chỉ nên dùng nước ấm hoặc nước ở nhiệt độ phòng, hạn chế sử dụng nước lạnh tắm cho trẻ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng khuyến nghị không nên sử dụng túi nước đá và hoặc lau da bằng cồn. Những phương pháp này có thể gây hại cho trẻ.
Bác sĩ Christina John giải thích: “Tắm bằng nước quá lạnh hoặc nước đá không có tác dụng vì sẽ khiến trẻ run rẩy - quá trình này làm tăng sản sinh nhiệt thay vì hạ nhiệt. Ngoài ra, lau người trẻ với cồn có thể gây kích ứng và mất nước cho da".
Nhìn chung, bố mẹ không cần quá lo lắng với những cơn sốt ở trẻ. Việc điều trị và kiểm soát cơn sốt chỉ cần thiết khi trẻ cảm thấy khó chịu. Nếu bé vẫn bình thường và tỉnh táo, bố mẹ cần bình tĩnh tìm cách hạ sốt cho con. Trong trường hợp bé sốt cao trên 38.5 độ, bên cạnh tắm, bố mẹ có thể cân nhắc cho con dùng thuốc, nghỉ ngơi, đắp miếng dán hạ sốt và uống nhiều nước.
Theo parents.com
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |