
Cùng hiểu đúng về sữa mẹ và cách để tốt sữa nhằm tự tin về chất lượng sữa mẹ trong hành trình nuôi con sữa mẹ.
Oanh Dương Sam
Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo WHO, thứ tự sữa ưu tiên cho bé là: Sữa mẹ bú trực tiếp - Sữa mẹ vắt ra và cho con uống bằng cách khác - Sữa mẹ khác - Sữa công thức.
Trên thực tế, mình hiểu rằng có rất nhiều tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, các mẹ hãy cố gắng hết sức có thể để con được sử dụng sữa lần lượt theo 4 mức thứ tự này. Có tìm hiểu rồi mình mới biết, sữa công thức nằm ở vị trí thứ 4 là có rất nhiều lý do.
Sữa vàng đầu tiên - Sữa chuyển tiếp - Sữa già
Có ba loại sữa mẹ bao gồm: Sữa vàng đầu tiên (sữa non) - Sữa chuyển tiếp - Sữa già. Ba loại này có lượng chất phù hợp với ngày/tháng tuổi của con, được cơ thể mẹ tuần tự tiết ra theo thời gian phát triển của con.
Sữa vàng đầu tiên
Cơ thể mẹ tiết ra sữa vàng đầu tiên, thường gọi là sữa non, trong 2-3 ngày đầu sau khi con ra đời. Nhờ tạo hóa chu đáo, cơ thể mẹ đã có thể sản xuất sữa này từ những tuần thai thứ 20 trở đi. Do đó, mẹ sinh non, sinh thường, sinh mổ đều có sẵn sữa vàng đầu tiên cho con mình.
Sữa non đậm đặc, có màu vàng đậm, vàng nhạt, hơi hồng, hơi cam, hoặc trắng, không nhất thiết phải vàng. Thường thấy nhất, sữa non có màu vàng nhẹ. Tuy nhiên, màu sắc hay tên gọi “sữa non” không thể hiện chất lượng của sữa vàng đầu tiên. Điều quan trọng và khác biệt so với sữa già ở sữa vàng đầu tiên đó là có thành phần và lượng ít ỏi, phù hợp với khả năng tiêu hóa và nhu cầu bú của con trong 3 ngày đầu.

Sữa vàng đầu tiên chứa các chất giúp bảo vệ và hoàn thiện hệ tiêu hóa và hệ niêm mạc ruột. Hệ niêm mạc ruột ở trẻ sơ sinh tiếp tục hoàn thiện. Các vi lông ruột tiếp tục dày lên, bao phủ kín các lông ruột trong hệ niêm mạc. Nếu không được uống sữa vàng đầu tiên này, hệ niêm mạc ruột sẽ khó hoàn thiện, gây hiện tượng hở ruột. Trẻ uống sữa công thức sẽ dễ gặp vấn đề hở ruột hơn, do sữa công thức không có các chất giúp hoàn thiện hệ niêm mạc ruột như ở sữa vàng đầu tiên.
Lượng sữa vàng tiết ra rất ít và sẽ tăng dần. Do có lượng ít như vậy, trong trường hợp con không hợp tác bú mẹ, mẹ nên vắt lấy sữa vàng đầu tiên bằng tay để cho con bú. Sữa non rất đậm đặc và khó vắt ra bằng máy, mẹ đừng vì thế mà nhầm nghĩ rằng mình không có sữa nhé. Sau khi vắt sữa, mẹ trữ sữa vào ống kim tiêm và cho con mút giọt trực tiếp, hoặc chuyển sang thìa, cốc nhỏ để cho con uống. Không nên sử dụng bình sữa lớn làm hao tổn lượng sữa ít và quý này.
Sữa vàng đầu tiên cần nhiều hormone oxytoxin để tiết ra kịp thời. Do đó hãy cho con bú mút và da kề da với mẹ sớm nhất, nhiều nhất có thể để tăng cường hormone oxytoxin. Bác sĩ và sách vở đều khuyên rằng nên tập vắt sữa bằng tay mỗi ngày kể từ tuần 36 để làm quen với việc vắt sữa. Đồng thời, nhờ đó mẹ cũng thu trữ sữa non trong trường hợp cần thiết. Bao gồm các trường hợp: Mẹ bị tiểu đường thai kỳ, mẹ được chỉ định sinh mổ, mẹ có bất thường ở đầu vú, bé được chẩn đoán hở hàm ếch hoặc có các nguy cơ phải cách ly mẹ nhiều giờ sau khi ra đời.
Sữa già
Sau 3 ngày đầu, sữa mẹ dần nhiều lên, chuyển tiếp từ sữa vàng đầu tiên thành sữa già. Sữa già được tạo theo công thức định sẵn. Nghiên cứu khoa học cho thấy sữa già có hơn 200 chất. Có nhiều chất thậm chí chưa được gọi tên, do cơ thể mẹ sản xuất theo nhu cầu kháng thể của con và không phải em bé nào cũng cần.
Trung bình 1 lít sữa già ở mẹ có 890ml nước, 74g bột đường, 42g chất béo, 13g chất đạm và nhiều chất khác. Các thành phần này sẽ thay đổi linh hoạt theo cữ, theo giờ và không cữ nào giống y nhau, nhưng luôn trong một chất lượng tối ưu nhất định trên 24 giờ.
Sữa già gồm sữa trước và sữa sau. Sữa trước (hay được gọi là sữa đầu) nhiều nước, đạm và vitamin, như một món khai vị để kích thích con ăn ngon. Sau 2-3 phút con bú giải khát, sữa sau sẽ được tiết ra, dần có nhiều chất hơn, gồm chất béo, đường bột, khoáng chất… Sữa sau (hay được gọi là sữa cuối) không bao giờ là cuối cả, con càng bú, sữa càng tiết ra.
Do quá trình phân tích chất béo từ mô dự trữ của mẹ để đưa vào sữa mất nhiều thời gian hơn nên chất béo trong sữa được tăng dần về cuối cữ bú. Sữa sau nặng dần, bé quen dần với cảm giác no, biết khi nào là vừa bụng và dừng lại khi thấy đủ no, đủ chất từ cả sữa trước và sữa sau.
Một số thành phần chủ yếu trong sữa được sản xuất tại chỗ ngay trong nang sữa của tuyến vú từ các phân tử hữu cơ vi sinh trong cơ thể mẹ, không phụ thuộc chế độ dinh dưỡng của mẹ. Một số thành phần khác được truyền trực tiếp từ huyết thanh của mẹ vào thời điểm tạo sữa, tức phụ thuộc dinh dưỡng hàng ngày, từng bữa của mẹ.

Các chất trong sữa mẹ không phụ thuộc vào dinh dưỡng hàng ngày của mẹ gồm: chất đạm, chất đường bột, chất béo với các loại acid béo quan trọng như ARA, DHA giúp phát triển não bộ, kháng thể, hơn 200 loại NPN giúp phát triển não bộ, pre-biotic MHO giúp tiêu hóa tốt, canxi, magie, kẽm, sắt… Các chất trong sữa mẹ cần phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ gồm: các loại vitamin, muối iot, flo.
Sữa mẹ cung cấp đủ lượng nước mà con cần, cùng với một loạt chất như nói ở trên, thậm chí còn đầy đủ hơn bữa ăn hàng ngày của người lớn. Do đó, trẻ không cần uống nước, và cũng không cần ăn thêm thứ gì, mà chỉ cần uống sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Sữa mẹ dồi dào các yếu tố kháng thể, kháng viêm nên khi bị sặc vào xoang, mũi, tai, phế quản… có chức năng như một loại nước rửa tự nhiên, không gây viêm nhiễm. Trong khi sữa bột không được như vậy, sẽ gây viêm nhiễm nếu con sặc sữa. Muốn trị nứt đầu ti, xoa một chút sữa mẹ . Nên nếu con bú sữa bột thì không được bú nằm nhé.
Mẹ cũng nhớ rằng, không có sữa nào không tốt cả. Quầng vú mẹ có hạt nổi lộm cộm, là lỗ thoát của tuyến dầu làm sạch tự nhiên và hương thơm để con tìm ti mẹ. Do đó, không cần lau sạch đầu vú trước khi cho con bú và yên tâm rằng sẽ không bao giờ có sữa bẩn hay sữa hỏng nếu con ti mẹ trực tiếp cả.
Cũng không có sữa nóng hay sữa mát làm trẻ lớn chậm hơn hay nhanh hơn. Mỗi trẻ có mức độ hấp thụ, tiêu hao năng lượng khác nhau. Dẫn đến việc có trẻ tăng cân nhanh hơn, có trẻ chậm hơn. Tuy nhiên, chỉ cần con tăng cân trong tiêu chuẩn của WHO là yên tâm!