
Mấy ngày gần đây trên nhiều hội nhóm bầu bí, mình thấy các mẹ râm ran lo sợ thai kỳ nguy cơ cao. Là mẹ bầu “có kinh nghiệm” vì sinh hẳn lần 3, mình cũng muốn chia sẻ với các mẹ một số kiến thức bỏ túi sau nhiều lần mang thai.
Mẹ Thanh Hà
Bầu tập đầu mình có nhiều lo lắng nên có cắp cặp đi học lớp tiền sản. Cũng may là đi học nên được bác sĩ tư vấn khá tận tình, đặc biệt là những kiến thức về một số trường hợp thai kỳ có thể được xếp vào nhóm nguy cơ cao, đòi hỏi sự theo dõi và chăm sóc y tế cẩn thận hơn. Mình liệt kê ở dưới để các mẹ dễ theo dõi nhé:
Mắc bệnh lý, có thể trầm trọng hơn khi chuyển dạ: Các bệnh lý thường gặp khi mang bầu như tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, bệnh tim mạch, bệnh hen suyễn, nhiễm trùng. Theo bác sĩ, nếu bệnh lý không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Đa thai: Mang đa thai, chẳng hạn song thai hoặc ba thai, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và bé. Các biến chứng có thể bao gồm sinh non, suy thai và thai chết lưu. Tuy nhiên như các mẹ thấy, phần đông bà bầu sinh đôi vẫn khỏe mạnh nếu biết chăm sóc và theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng trong thai kỳ.

Đã từng sinh mổ: Một số mẹ không nghĩ rằng việc sinh mổ lần đầu và sinh mổ lần hai có nguy cơ cao. Theo mình biết, nếu bạn đã từng sinh mổ trước đây và có bầu lần hai “sát sàn sạt”, bạn có nguy cơ cao bị rách tử cung khi sinh mổ tiếp theo.
Gặp các vấn đề khi mang thai, có thể ảnh hưởng đến việc chuyển dạ: Nhau tiền đạo, thừa ối hoặc thiểu ối đều có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé trong quá trình chuyển dạ.
Em bé rất lớn hay rất nhỏ: Em bé quá to có thể gây khó khăn trong khi sinh, tăng nguy cơ sinh mổ, còn em bé quá nhỏ (suy dinh dưỡng thai nhi) có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe và có nguy cơ tử vong cao hơn.
Nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào trong số này, có thể các bác sĩ sẽ xếp bạn vào nhóm thai kỳ nguy cơ cao. Điều này có nghĩa là bạn sẽ cần được theo dõi chặt chẽ hơn bởi bác sĩ sản khoa và có thể cần phải thực hiện các xét nghiệm và siêu âm bổ sung. Quan trọng nhất là các mẹ nên chủ động tìm hiểu thêm các tài liệu y khoa để biết cụ thể tình trạng mình đang gặp phải nữa nhé!

Mình chia sẻ không phải nhằm mục đích khiến các mẹ thêm lo lắng. Việc nhận thức thai kỳ nguy cơ cao sẽ giúp các mẹ trang bị kỹ lưỡng kiến thức, cách phòng tránh và theo dõi sức khỏe tốt hơn.
Để có thai kỳ khỏe mạnh, mình nghĩ các mẹ vẫn nên tập trung vào 4 khía cạnh:
- Chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp cho cơ thể mẹ và bé những chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển khỏe mạnh
- Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ
- Duy trì cân nặng hợp lý để giảm nguy cơ biến chứng
- Tuân thủ lịch khám thai và trao đổi với bác sĩ khi có bất kỳ băn khoăn nào
Với những thông tin gửi gắm, mình chúc các mẹ có thai kỳ vui khỏe nhé!