
Tôi từng bị tiểu đường thai kỳ trong cả hai lần mang bầu, với các mẹ nào bác sĩ chỉ định mua máy thì nên mua để kiểm tra và theo dõi chỉ số sát sao tại nhà.
Nhung Hoàng
Cả hai lần mang bầu hai bé con, tôi đều bị tiểu đường thai kỳ. Lần đầu chưa có kinh nghiệm, vợ chồng tôi cũng lo lắng và mua sẵn máy đo đường huyết tại nhà, dù bác sĩ không chỉ định. Suốt cả chu kỳ thai bé đầu tiên, tôi liên tục đo chỉ số đường huyết và áp lực, khóc thường xuyên vì lo sợ các biến chứng có thể xảy ra.
Bác sĩ nhiều lần trấn an rằng các chỉ số của tôi chỉ vượt ngưỡng khá nhẹ, có thể giảm bớt bằng cách thay đổi chế độ ăn nhưng vì lo lắng nên tôi vẫn stress liên tục. Đến khi mang bầu bé thứ 2, tôi có kinh nghiệm hơn, thay vì dùng máy đo liên tục và khiến mình tăng thêm lo lắng, tôi đã chuyển hướng tập trung vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Thực tế, theo kinh nghiệm của tôi, với những mẹ bầu nào có chỉ số đường huyết quá cao, bác sĩ chỉ định mua máy đo thì các mẹ hãy mua và theo dõi thường xuyên. Còn trường hợp các mẹ nào có các chỉ số chỉ vượt ngưỡng ở mức nhẹ giống như tôi trước đây, có thể điều chỉnh phần nào qua chế độ ăn uống thì không cần phải mua máy, tránh để bản thân áp lực hay stress vì đo chỉ số thường xuyên.
Hai lần tôi bị tiểu đường thai kỳ thì tình trạng đều chấm dứt sau khi sinh em bé. Kinh nghiệm của tôi là trước và khi mang thai, nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, nếu bị tiểu đường thai kỳ thì giảm tối đa đồ ngọt, hạn chế tinh bột và tăng cường chất đạm, chất xơ. Cách này có thể giúp đường huyết ổn định hơn, không bị tăng quá cao. Ngoài ra, các mẹ cũng nên theo sát lịch khám thai, đi đúng và đều đặn để bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định, hướng dẫn phù hợp trong từng chu kỳ.