
Linh Anh
Ở tuần thứ 28 của thai kỳ, tôi bỗng cảm thấy bồn chồn, lo lắng không lý do, đêm mất ngủ, trằn trọc, suốt 3 tuần liền không tăng cân… Tôi nhận ra mình đã bị trầm cảm nhẹ.
Lần đầu mang thai trong sự mong chờ của cả vợ chồng và 2 bên nội ngoại, tôi rất hạnh phúc. Tôi mong chờ từng dấu mốc đặc biệt của con, nhớ lịch đi khám đều đặn để được ngắm nhìn con lớn dần, từ lúc còn là một chấm tròn bé xíu đến khi đã có đủ các bộ phận, thậm chí biết mút ngón tay, che mặt mỗi khi siêu âm. Tôi cũng hình thành nhiều thói quen lành mạnh hơn như đi ngủ sớm, ăn uống healthy, chăm chỉ đọc sách… Tất cả vì sự phát triển tốt nhất của em bé trong bụng.
Tuy nhiên, từ tuần thứ 28 của thai kỳ, tôi bỗng xuất hiện những cảm xúc và hành vi tiêu cực mà mãi gần 1 tháng sau đó tôi mới nhận ra. Dấu hiệu đó bắt đầu từ việc tôi thường xuyên thấy bồn chồn, lo lắng không lý do. Tâm trạng tôi tụt dốc không phanh, thậm chí u sầu nếu không thấy em bé máy. Tôi không còn cảm thấy kiên nhẫn với cuốn sách chăm con quen thuộc, sốt ruột vì thấy thời gian mang thai quá dài, đôi khi cảm thấy chán nản khi nhìn thân hình đã tăng 12 kg qua gương. Những vết rạn trên bụng - thứ từng kiến tôi tự hào với hành trình đặc biệt - lại là thứ mang đến cho tôi cảm giác chán ghét, tôi lo lắng sợ chúng không biến mất sau khi sinh xong.
Đỉnh điểm, những cảm xúc bồn chồn đó theo tôi ở cả giấc ngủ ban đêm, khiến tôi ngủ ít đi, giấc ngủ trằn trọc, không sâu. Việc ăn uống của tôi cũng kém đi khi tôi không thấy ngon miệng khi ăn.

Đến lúc khám thai định kỳ, khi biết cân nặng của tôi và cả em bé trong bụng chững lại trong suốt 3 tuần cùng lời cảnh báo của bác sĩ, tôi mới nhận ra những dấu hiệu đáng báo động về sức khỏe tâm lý bản thân. Chồng tôi là dân kinh doanh, thường xuyên đi công tác xa nên cũng chưa nhận ra thay đổi bất thường của vợ cho đến khi tôi quyết định tâm sự với anh. Vậy là với lời khuyên từ bác sĩ, 2 vợ chồng tôi quyết định bắt tay vào “sửa sai” ngay.
Chồng tôi xin nghỉ phép 3 tuần, chỉ ở nhà và cùng tôi trải qua những ngày tháng mang bầu trọn vẹn. Loại bỏ nguy cơ từ di truyền hay bệnh lý, chúng tôi nhận ra sự căng thẳng là nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn tâm lý của tôi khi mang bầu. Vậy nên, chồng tôi cố gắng giảm tối thiểu sự căng thẳng bằng cách chu toàn mọi công việc nhà, đưa đón tôi đi làm hàng ngày, cùng tôi theo dõi các cử động của thai nhi và đưa ra phán đoán, cùng tôi chăm sóc cơ thể và các bữa ăn healthy mỗi ngày để giúp em bé phát triển tốt nhất… Thay vì một mình tôi đọc sách, chồng tôi tích cực hơn trong việc tìm sách nuôi dạy con, đọc trước và kể lại cho tôi. Tôi cảm thấy thân thể và tinh thần của mình hoàn toàn được thả lỏng sau 3 tuần, những cảm xúc tiêu cực cũng dần biến mất.
Thông qua câu chuyện của mình, tôi muốn gửi gắm lời khuyên đến các mẹ bầu rằng đừng tự ôm đồm mọi việc và để cảm xúc tiêu cực xâm chiếm mình, thay vào đó hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân, bạn bè để hành trình mang thai được khỏe mạnh, trọn vẹn.