

Không phải ai cũng trải qua một thai kỳ khỏe mạnh. Một số bệnh lý thai kỳ thường xảy đến, đòi hỏi mẹ bầu cần nắm chắc các dấu hiệu để xử trí kịp thời.

Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là một bệnh nguy hiểm trong quá trình mang thai. Bệnh diễn biến một cách thầm lặng, nếu không điều trị đúng và theo dõi kỹ càng có thể gây ra những biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Nặng nhất có thể gây thai lưu, với mẹ là hôn mê do đái tháo đường. Bệnh có thể diễn ra rất êm đềm và không gây biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện kịp thời, tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, nếu chủ quan không theo dõi, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm.
Dấu hiệu: Dựa vào kết quả nghiệm pháp dung nạp đường huyết ở giai đoạn 24-28 tuần tuổi thai.
Hướng xử lý: Khi nghiệm pháp đường huyết mà có dấu hiệu tăng đường huyết, mẹ bầu cần theo dõi chế độ ăn, đường huyết sau ăn nghiêm ngặt hàng ngày được tư vấn của bác sĩ sản phụ khoa, hay bác sĩ nội tiết tùy từng giai đoạn và mức độ bệnh.
Cao huyết áp thai kỳ
Nếu mẹ bầu bị cao huyết áp đơn độc do mắc các bệnh lý nội khoa trước khi mang thai, mang thai sẽ làm tình trạng cao huyết áp nặng và khó khống chế hơn.
Dấu hiệu: Để phát hiện tình trạng này, mẹ bầu chỉ cần đi khám thai đầy đủ, đúng hẹn của bác sĩ.
Một quy trình khám thai đúng luôn luôn có đo huyết áp, đếm mạch và thử nước tiểu. Sự thay đổi huyết áp từ bình thường thành cao, hay một sản phụ huyết áp cao ngay từ những tuần thai đầu sẽ ngay lập tức được phát hiện.
Hướng xử lý: Với bệnh lý cao huyết áp thai kỳ, quan trọng nhất là phát hiện sớm và có chế độ y khoa, chế độ sinh hoạt phù hợp với tình trạng bệnh. Mẹ bầu nên tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để ổn định huyết áp, có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.
Tiền sản giật/ sản giật
Đây là bệnh xảy ra ở phụ nữ không có tiền sử cao huyết áp trước đó, mà tình trạng này xảy ra khoảng tháng thứ 7 của thai kỳ.
Dấu hiệu: Các biểu hiện của cao huyết áp, phù, protein niệu, và một loạt triệu chứng ở các cơ quan khác tùy giai đoạn của bệnh và thể bệnh. Mẹ bầu cần được theo dõi để sớm phát hiện bệnh.
Hướng xử lý: Khi có tình trạng này xảy ra, điều quan trọng nhất không phải tự điều trị, mà cần đến gặp bác sĩ, để được khám, phân loại, chẩn đoán thể bệnh và tư vấn đầy đủ về cách theo dõi, uống thuốc, chế độ ăn uống khoa học, chế độ sinh hoạt phù hợp với tình trạng bệnh.
Đa ối
Đa ối là tình trạng hay gặp với chẩn đoán dựa vào đo góc ối sâu nhất là > 80 mm. Đa ối có thể do nguyên nhân tiểu đường, nhiễm khuẩn, hay do bất thường hệ tiêu hóa của em bé nhưng cũng có thể không rõ nguyên nhân.
Dấu hiệu: Thường về lâm sàng, mẹ bầu sẽ cảm thấy bụng to lên nhanh. Trong một tuần, mẹ bầu có thể thấy bụng to lên nhiều, kèm theo khó thở. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ thấy lượng nước ối nhiều. Những bất thường do đa ối có thể gây ra nhiều vấn đề khác ví dụ như dọa đẻ non do tử cung bị căng giãn quá mức.
Hướng xử lý: Mẹ bầu cần được theo dõi sát tình trạng thai nhi và các dấu hiệu lâm sàng do thai quá to gây ra chèn ép. Trong trường hợp lượng nước ối quá nhiều, kèm theo nguy cơ dọa đẻ non, việc chọc rút nước ối cũng có thể là một lựa chọn. Ngoài ra, khi bị đa ối, các bác sĩ sẽ tìm các nguyên nhân hay gặp để điều trị.
Thiểu ối
Thiểu ối nếu xuất hiện ở những tuần thai nhỏ thì nhiều nguy cơ hơn, quan trọng nhất là thiểu ối có liên quan đến các bất thường về thận của thai nhi hay không.
Dấu hiệu: Bệnh hầu như không có triệu chứng lâm sàng gì đặc hiệu, chỉ được phát hiện nhờ siêu âm.
Hướng xử lý: Với những trường hợp thiểu ối không rõ nguyên nhân, mà không do bất thường về thận, bác sĩ có thể cân nhắc biện pháp truyền ối.
Bài viết được tư vấn bởi ThS.BS Tạ Việt Cường Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Phòng khám Nhân Y: https://www.facebook.com/pknhany/ |