
Việc tắm bồn, xông hơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe ở mẹ bầu, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Tắm nước ấm giúp cơ thể mẹ bầu cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, không bị sốc nhiệt vào mùa lạnh. Tuy nhiên, nhiệt độ nước tắm của mẹ bầu không nên cao hơn 36 độ C. Nếu nước nóng hoặc xông hơi khiến nhiệt độ cơ thể tăng trên 38 độ C, mẹ cần lưu ý nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở bé trong 3 tháng đầu tiên hoặc mất nước trong giai đoạn sau của thai kỳ.
Một số bồn tắm nước nóng thậm chí có thể nóng tới 40 độ C. Chưa kể, việc ngâm mình trong nước nóng có thể làm nhiệt độ cơ thể tăng nhanh hơn, vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng chúng. Nếu bác sĩ cho phép bạn thỉnh thoảng tắm bồn trong thời kỳ mang thai, bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa quan trọng, gồm:
- Không tắm quá 10 phút
- Không sử dụng bồn nước nóng hàng ngày
- Không ngồi gần vòi phun nước nóng
- Ra khỏi bồn nước nóng ngay lập tức nếu bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn

Điều này cũng tương tự với việc xông hơi. Đối với người bình thường, xông hơi có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như thải độc, thư giãn, giảm đau, giảm đau nhức cơ bắp sau khi tập luyện… Tuy vậy, với phụ nữ mang thai, liệu pháp này không được khuyến khích.
Không phải tất cả phòng xông hơi đều giống nhau, chúng được làm nóng theo những cách khác nhau và duy trì ở nhiều mức nhiệt. Tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khoảng thời gian cơ thể bạn nóng lên đến nhiệt độ có thể gây hại cho em bé. Một số bác sĩ thậm chí khuyên mẹ bầu nên tránh xông hơi hoàn toàn khi mang thai. Vì ngay cả khi bạn chỉ ở trong phòng tắm hơi trong một khoảng thời gian hạn chế, em bé của bạn vẫn có thể chịu ảnh hưởng.

Nếu bác sĩ cho phép bạn sử dụng phòng tắm hơi trong thời kỳ mang thai, hãy giới hạn thời gian ở trong phòng tắm hơi ít hơn 15 phút. Bạn nên rời khỏi phòng tắm hơi ngay lập tức nếu bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn nôn. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang quá nóng.
Theo Healthline