
Virus cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, các loại vaccine được dùng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau nữa.
Tú Hảo
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus, bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng…
Với người khỏe mạnh, bệnh cúm thường chỉ gây ra triệu chứng nhẹ, có thể tự hết trong 7-10 ngày. Với người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Có thể kể đến suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng, thậm chí tử vong.
Nhận biết triệu chứng cúm ở trẻ
Triệu chứng bệnh cúm ở trẻ thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, cảm do thời tiết chủ yếu gây ho, không gây sốt cao, trong khi triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn. Sau 1-2 ngày bị lây nhiễm, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng:
- Sốt hơn 38 độ C
- Nghẹt mũi, sổ mũi (dịch trong mũi có thể không màu, hoặc màu vàng, màu xanh)
- Đau họng, ho
- Nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức khiến trẻ khó chịu, hay quấy khóc, khó ngủ
- Biếng ăn, nôn mửa, có thể bị tiêu chảy

Vì sao nên tiêm vaccine cúm cho trẻ?
Hiện bệnh cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phương pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng và theo dõi sức khỏe của bệnh nhân để không bội nhiễm, không lây bệnh cho người khác.
Cha mẹ có thể dự phòng được bệnh nếu cho trẻ tiêm vaccine cúm đúng lịch.
Vaccine cúm mùa dùng để phòng ngừa bệnh cúm, được điều chế từ các virus cúm bất hoạt. Khi sử dụng loại vaccine này, cơ thể sẽ được kích thích sản sinh ra lượng kháng thể đủ chống lại virus cúm xâm nhập từ bên ngoài.

Theo thống kê của WHO, tiêm phòng vaccine cúm mùa có thể làm giảm khoảng 60% các căn bệnh liên quan đến cúm và khoảng 70-80% tỷ lệ bị tử vong do cúm. Vaccine ngừa cúm thường có hiệu lực bảo vệ lên đến 90%.
Tuy nhiên, virus cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, các loại vaccine được dùng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau nữa.
Chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ nên đưa bé trên 6 tháng tuổi đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng virus cúm đang lưu hành với chủng virus có trong vaccine.
Tiêm vaccine cúm cho trẻ bao lâu thì có tác dụng?
Vaccine cúm phát huy hiệu lực khoảng 2 tuần sau khi tiêm vào cơ thể. Lúc đó các kháng thể đặc hiệu mới hình thành đầy đủ và cung cấp khả năng bảo vệ cơ thể chống lại các chủng virus cúm đang lưu hành. Vì thế, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm trước khi vào mùa cúm ít nhất 2-4 tuần để cơ thể đủ thời gian sản sinh lượng kháng thể cần thiết.
Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo trẻ cần được tiêm vaccine cúm mùa trước khi vào mùa cúm, trong tháng 3-4 hoặc tháng 9-10, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
Cách phòng bệnh cúm cho trẻ
Tiêm vaccine cúm hàng năm là cách phòng bệnh chủ động và hữu hiệu nhất để ngăn chặn nguy cơ mắc và ảnh hưởng nghiêm trọng của cúm đến sức khỏe. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý thêm một số vấn đề.

- Tập cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên trước và sau ăn, ho, hắt hơi, đi vệ sinh hoặc có tiếp xúc với người ngoài.
- Trẻ tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc cúm. Trong trường hợp bất khả kháng, cần giữ khoảng cách và đeo khẩu trang cẩn thận. Sau đó, trẻ phải rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, uống nhiều nước kết hợp thể dục thể thao.
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu phát hiện các triệu chứng bất thường.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |