

Đây là hiện tượng đầu ti có nốt trắng, cạy ra có những cặn trắng như lớp màng bao xung quanh khiến người mẹ có cảm giác đau rát, thậm chí có thể gây tắc tia bên trong bầu ngực.
Nguyên nhân của cặn này là do đầu ti mẹ có tổn thương, đôi khi gây cảm giác rát rát. Đó có thể là tổn thương nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường và các mẹ nghĩ điều này không sao. Nhưng ngay cả những tổn thương rất nhỏ cũng có thể tạo nên cặn trắng này.
Cơ chế là khi có những tổn thương như vậy, vết thương sẽ có quá trình lành da. Khi lành sẽ lên những lớp biểu bì, vô tình cản trở dòng chảy của lỗ thoát sữa. Nếu những lỗ đó bị bít một phần thì sữa sẽ bị vón lại trong màng này, tạo thành những cặn trắng.
Nếu những cặn đó không lấp hoàn toàn lỗ thì sữa vẫn ra chậm. Nhưng nếu lớp da lấp hoàn toàn lỗ hoặc sữa vón lấp đầy lỗ thì hậu quả là tắc tia. Lúc này sữa không thoát ra được và mẹ vừa bị tắc đầu ti, vừa bị cặn bên trong bầu ngực.
Một tin không được vui lắm là tình trạng tắc tia đầu ti này rất dễ tái đi tái lại.
Hướng xử lý cặn sữa gây tắc đầu ti
Nếu mẹ bị nhẹ có thể đắp khăn ấm tẩm nước muối sinh lý 0,9% trong 15-20 phút trên đầu ti để cặn trắng mềm ra. Sau đó lấy khăn ra, cho con bú ngay lập tức vào thời điểm đó để cặn trắng bung ra.
Trường hợp khó hơn, phải nhờ lực sữa ở bên trong bầu ngực bắn ra để làm bung cặn trắng đầu ti. Mẹ có thể vắt tay trước cữ bú hoặc cữ hút, vì lúc đó ngực còn nhiều sữa thì lực bắn từ sẽ đủ mạnh để làm bung cặn tắc.
Nếu mẹ thấy cồi tắc lồi lên thì có thể kết hợp vắt tay ngay phần đầu ti, hoặc nặn thử như nặn mụn để đẩy cồi ra. Cần kiên trì cữ nào cũng làm, vì vấn đề này khó được giải quyết trong 1-2 cữ vắt. Kiên trì thì đến một lúc nào đó cặn trắng đủ mềm sẽ bung ra.
Một lưu ý là khi tắc đầu ti tức là đường thoát sữa đang bị cản trở, sẽ còn những cặn khác bên trong ống sữa. Cần tiếp tục quá trình vắt thông ở mỗi cữ để cặn còn sót bên trong được đẩy ra hết. Vì thế các mẹ cần rất kiên nhẫn. Đôi khi có những mẹ mất 1 tháng hơn mới hết. Nếu không thông được, mẹ nên liên hệ với nhân viên y tế có kinh nghiệm.
Việc dùng kim vô trùng để lấy chỗ tắc là biện pháp sau cùng. Vì nếu làm không đúng có thể đưa vi trùng vào sâu bên trong khiến viêm tắc nặng hơn, chỗ đó sẽ càng dễ tái đi tái lại hơn.
Cuối cùng, trong trường hợp các mẹ xử lý tới lui mà nốt trắng vẫn tái đi tái lại trên 1 tháng, thì khả năng có sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc vi nấm. Lúc này nên đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc bôi.

Phòng tránh tắc tia do cặn như thế nào?
- Đầu tiên, cần tránh các nguyên nhân gây tổn thương đầu ti bằng cách cho bé bú đúng khớp ngậm.
- Không lạm dụng máy hút sữa
- Hút sữa đúng cách, chọn size phễu đúng
- Không dùng lực hút quá mạnh
- Những lúc ngực quá căng do bận việc hay phải đi ra ngoài, không thể cho bé bú hay hút sữa thì mẹ cần kiếm toilet vắt bỏ sữa để tránh tắc tia.
- Mẹ tránh ăn đồ béo: móng giò, chân chó, chân dê… Vì lúc đó sữa dễ bị vón lại và dễ tắc nhiều hơn.
- Và một điều nữa là mẹ tránh stress. Căng thẳng cũng khiến mẹ tắc tia tái đi tái lại nhiều lần.
- Mẹ cần mặc áo ngực thoải mái rộng rãi để tránh chèn ép các tia sữa bên trong.
Bài viết được tư vấn bởi BS Sữa Mẹ Lê Ngọc Anh Thy Bác sĩ Sữa Mẹ - Founder của Trung Tâm Tư vấn Sữa Mẹ BMC. Địa chỉ: Trung tâm Tư vấn Sữa Mẹ BMC, 3A Tân Canh, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp. HCM Hotline: 0764623046 - 0904755525 – 0769969525 hoặc quan tâm Zalo OA tại đây. |